Đọc chỉ thêm buồn! Bài viết dưới đây được đăng trên VnMedia và có rất nhiều comment, đồng ý có, chê bai có vì họ cho rằng làm không làm mà chê thì giỏi. Nhưng, bản chất vấn đề là công tác cứu hộ ở ta chưa ổn hay nói cách khác là chưa có. Ta chưa có những trung tâm xử lý tình huống khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn theo đúng nghĩa của nó; thiếu phương tiện kỹ thuật và thiếu đủ thứ.
(VnMedia)- Sau cái chết quá thương tâm của hai cháu bé Trần Ngọc Tâm (14 tuổi) và Trần Duy Anh (6 tuổi) liên quan đến vụ nổ gas tại ngôi nhà 2 tầng ở tổ 51 phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), hàng loạt các câu hỏi liên quan đến công tác cứu hộ của lực lượng cứu hộ đã được đặt ra. Vì sao, phải mất đến 6 giờ đồng hồ lực lượng chức năng mới hoàn thành việc kéo hai đứa trẻ thập tử nhất sinh ra khỏi đống đổ nát? Và hai đứa bé đáng thương đã ra đi mãi mãi sau đó chỉ mấy phút…
Khi đứa trẻ đầu tiên trong vụ nổ ga được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi hiện trường, quấn một chiếc chăn bông màu đỏ và được đưa đi cấp cứu, hàng triệu trái tim người Việt Nam như trút được gánh nặng. Không ai bảo ai, nhưng tất cả đều cầu nguyện trong lòng, cầu mong cho cháu sẽ tai qua nạn khỏi. Người dân chứng kiến tại hiện trường, lực lượng chức năng tham gia cứu hộ và cánh báo chí đứng chờ tin càng mừng hơn khi lực lượng chức năng xác nhận cũng đã nhìn thấy Ngọc Tâm, mặc dù đang bị cầu thang đè trên người.
Nhưng, lòng ai cũng như chùng xuống khi hay tin tại bệnh viện Việt Đức, bé Duy Anh đã trút hơi thở cuối cùng trong sự bất lực của các bác sỹ. Đã có rất nhiều người muốn khóc, nhưng tất cả đều có kìm nén ở trong lòng, mọi người chỉ cùng thốt ra miệng: Tội nghiệp quá, thương quá! Hy vọng bây giờ hướng trọn về bé Ngọc Tâm. Ngồi tại toà soạn, khi nhận được thông tin từ phóng viên hiện trường báo về bé Ngọc Tâm đã được đưa ra ngoài, và vẫn sống, mọi người trong toà soạn ai nấy đều hồ hởi. Nhưng chỉ 5 phút sau, thông tin bé Ngọc Tâm không qua khỏi đã khiến tất cả chúng tôi và cả những đồng nghiệp có mặt tại hiện trường bàng hoàng…
Trong “vòng vây” của lực lượng cứu hộ, bé Duy Anh đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, chưa kịp mừng, lòng người đã phải trùng xuống vì tin bé đã lìa bỏ thế gian…
Không phải nghe tin người thân mất mà ai nấy đều bủn rủn khắp người, đầu gối như muốn sụm xuống và không có tâm trạng để làm gì, thậm chí ăn cơm, vì lúc này đã quá trưa rồi. Tôi rời bàn phím, đứng lên đi lại một cách vô định. Cái chết của hai đứa trẻ đáng thương làm mòn mất nhiệt huyết của tôi.
Đến thời điểm này, vẫn chưa có thông tin chính thức về nguyên nhân tử vong của hai bé Tâm, Duy Anh, nhưng theo suy luận của nhiều người có mặt tại hiện trường thì chính việc bị đè dưới bức tường trong khoảng thời gian quá lâu đã khiến cho các em ít có cơ hội được sống.
Chị đồng nghiệp uất ức quá kêu lên, vì sao lực lượng chức năng đã phải mất 6 giờ cho việc tìm kiếm thi thể 2 cháu nhỏ bị vùi lấp sau vụ nổ bình gas?
Tại hiện trường, theo tìm hiểu của phóng viên VnMedia, vụ việc xảy ra lúc 5giờ 45 phút, nhưng hơn 7 giờ lực lượng chức năng mới có mặt để thực hiện công việc cứu hộ của mình. Rất lâu sau đó, lực lượng chức năng mới đưa máy xúc vào, quyết định phá vỡ bức tường để tham gia cứu hộ. Để rồi 1 giờ 30 phút sau công việc này mới hoàn thành.
Quan sát tại hiện trường, phóng viên khẳng định con đường dẫn vào ngôi nhà này không quá nhỏ. Nếu lực lượng quyết tâm phá một bức tường nhanh hơn để tiện cho máy móc cùng vào can thiệp có lẽ sự việc đã không kéo dài như thế!
Để tiếp cận hiện trường, một bức tường đã được ủi đi.
Có rất nhiều câu hỏi nghi ngại đặt ra về việc xuất hiện quá muộn của máy ủi, cần cẩu để tham gia vào việc cứu hộ.
Nhiều ý kiến cho rằng, với 1 căn hộ nhỏ 15m2 như thế chỉ cần 6 công nhân, 2 máy khoan phá hạng trung, 2 máy cắt thép cầm tay có lẽ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ là có thể di chuyển hết khối bê tông và vữa sang bên cạnh mà không gây các xung động lớn có thể ảnh hưởng xấu đến các cháu.
Nhưng phải mất đến 6 tiếng đồng hồ lực lượng chức năng mới hoàn tất công tác cứu hộ. Có lẽ bởi kiểu cứu hộ đầy thủ công thế này…
Thậm chí, nếu không có sự can thiệp của máy móc, với ngần ấy con người tham gia cứu hộ tại hiện trường, nếu có một tổng chỉ huy tốt, rất có thể công việc cứu hộ đã được thực hiện nhanh hơn rất nhiều. Và nếu nhanh hơn, biết đâu bé Tâm và Duy Anh hiện vẫn đang được cấp cứu một cách tích cực tại bệnh viện!?
Kể cả khi đưa nạn nhân ra ngoài, lực lượng cứu hộ cũng không có những công cụ hỗ trợ hiệu quả hơn.
Nếu nhìn vào hiện trường vụ cứu hộ thế này, rõ ràng có thể nghi ngờ về chất lượng cứu hộ!
Lam Nguyên – (ảnh: Lương Đàm – Ngọc Lân)
Trả lời