GS. Hoàng Tụy

Nên nhận định thế nào về con số 2/3 số tiến sĩ không làm khoa học mà làm quản lý ? -Trong số 1/3 còn lại cũng chẳng có mấy người thật sự làm khoa học, mà chỉ làm khoa học trên danh nghĩa, và rất nhiều sản phẩm của họ khó được chấp nhận là công trình khoa học theo cách hiểu thông thường trên quốc tế. Đánh giá cho đúng, tôi nghĩ chỉ 10-15% số tiến sĩ có trình độ tương xứng với bằng cấp đó trên quốc tế. Và cũng chỉ 10-15% số GS, PGS có trình độ tương xứng với các chức vụ đó trên quốc tế. Còn lại không chỉ thấp mà thấp đến tệ hại, nhiều người không có thể đứng trong phạm trù “dạy đại học”, dù ở mức thấp nhất.

Rất nhiều tiến sĩ của ta trình độ chưa bằng cử nhân của các nước, rât đông GS, PGS của ta không được như trợ giảng mới ra của họ. Tôi nói điều đó với tinh thần trách nhiệm đầy đủ. Trong ngành toán học điều này quá rõ, mà trong các ngành khác chỉ có tồi tệ hơn. Nói ra thì chạm tự ái, có người lồng lộn lên, chẳng qua vì lâu nay họ được đối xử cao hơn quá nhiều giá trị thật của họ, mà trong một xã hội đã quá quen lấy giả làm thật, họ không ý thức được sự kém cỏi cũng chẳng có gì khó hiểu.
Ở quê tôi ngày xưa, cục đất sét được nặn thành tượng thần, rồi ai đi qua cũng cúi đầu, riết cục đất cũng thành thiêng. Trong mỗi lĩnh vực khoa học, giáo dục của ta đều có nhiều vị đã trở thành thiêng theo kiểu đó, cứ tung hứng lên rồi không mấy chốc trở thành chuyên gia đầu ngành, được trao trọng trách lãnh đạo, rồi cái mô hình ấy cứ truyền lại để được tiếp nối, như vậy làm sao khoa học, giáo dục phát triển lành mạnh được.
Cái nguy hại là khi danh và thực tách rời, thật giả lẫn lộn, thì liền theo đó là nhiều tài năng chân chính bị vùi dập, chưa kịp nở đã tàn. Chẳng hạn trong lúc ta có hàng nghìn GS, PGS hữu danh vô thực thì 3 năm sau khi đã mất biết bao thì giờ bàn thảo để chấn chỉnh cái gọi là Hội đống Chức danh GS PGS, chỉ mới cách đây vài hôm thôi, tôi được chứng kiến trường hợp một nhà toán học trẻ 36 tuổi, bảo vệ tiến sĩ ở một đại học Pháp cách đây 7 năm, làm trợ giảng và giảng viện đại học Qui Nhơn hơn 10 năm, trong vòng 8 năm đã có 15 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín của ngành, đầy triển vọng trở thành một nhà toán học có tầm cỡ, cho nên hoàn toàn đạt tiêu chuẩn cao của một PGS theo chuẩn mực quốc tế, nhưng ở VN lại bị gạt ra vì … không đủ số điểm về nghiên cứu khoa học, tính theo cách cân, đo, đếm khoa học độc đáo của Hội đồng Chức danh GS, PGS đã “đổi mới”.
Thật đau lòng và đáng phẫn nộ, tình hình dốt nát như thế kéo dài đã hàng chục năm, sẽ đẩy nền khoa học, giáo dục này đến vực thẳm nào, nhiều vị giữ trọng trách vẫn rất mơ hồ, thậm chí hoàn toàn dửng dưng phó mặc cho nó tự cứu lấy, rồi lâu lâu lên tiếng “củng cố, nâng cao, đẩy manh. phát triển”.
Một số trí thức thiếu tư cách (và thường thiếu tài) ra sức ru ngủ các vị, để được tín nhiệm và thăng tiến đều đặn. Rốt cục, ở xứ này chỉ có thùng rỗng mới kêu to và mới được nghe thấu. Nguyên nhân xem ra vì nhiều vị chỉ thích vỗ cho các thùng rỗng ấy kêu ngày càng to, chứ đâu có quan tâm gì khác.
Tôi rât tán thành nhận định : giáo dục, khoa học đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng, chứ không phải chỉ là “không thành công” như Cựu Thủ Tướng PVK đã nhìn nhận cách đây vài năm, dù sự nhìn nhận ấy cũng đã là sự dũng cảm đáng kính trọng trong hoàn cảnh chúng ta.
“nhân danh phát huy sáng tạo đi tìm một con đường riêng, nhưng thực tế là lạc lỏng” (giòng 2-3 từ dưới lên). Giáo dục và khoa học của ta không chỉ tụt hậu mà đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới, hết sức “không giống ai” và đó là nguồn gốc mọi vấp váp, khó khăn khi hội nhập nếu không kịp chấn chỉnh. Trong báo cáo khảo sát của đoàn Viện Hàn Lâm Hoa Kỳ về một số đại học lớn của VN có nói rõ sự “không giống ai ấy”.
Của đáng tội, các chức trách giáo dục, khoa học cũng luôn nói học tập các nước, và những chủ trương, chính sách “sáng tạo” ấy cũng chẳng qua từ học lỏm mà ra, chỉ có điều học lỏm mà không tiêu hóa được lại cứ chủ quan cho mình giỏi hơn thiên hạ, hiểu sai, làm sai một cách ấu trĩ lố bịch, mà khó hiểu là thường chỉ sai theo hướng có lợi cho những nhóm lợi ích nào đó không trùng với lợi ích của đất nước, nên luôn là nguồn gốc phát sinh tiêu cực. Điển hình là du nhập sống sượng các quan niệm “giáo dục là hàng hóa”, “thị trường giáo dục”, “thị trường khoa học” , để tiến tới “cổ phần hóa” các đại học công lập, khuyến khích kinh doanh giáo dục kiếm lời, cho đấu thầu, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học, y như đấu thầu các công trình xây dựng, để rồi bỏ hàng đống tiền công quỹ vào những việc mà chỉ nghe đến cái tên đề tài nghiên cứu đã thấy ngượng và xót xa cho nền khoa học của đất nước.
Hàng năm Bộ KH và CN trả lại Nhà Nước hàng trăm tỉ đồng trong ngân sách dành cho khoa học, trong khi nhiều người làm khoa học thiếu phương tiện nghiên cứu tối thiểu, lương không đủ sống, buộc phải tự cứu bằng những công việc khác rồi dần dần bỏ bê khoa học hoặc tìm cách ra nước ngoài kiếm sống. Quản lý khoa học kiểu đó là vì lợi ích của ai ? Vì dân, bởi dân, do dân chăng ? Nghịch lý trong xứ này là không ai coi thường sự nghiệp giáo dục chân chính bằng Bộ Giáo dục, không ai coi rẻ chất xám sáng tạo khoa học bằng Bộ Khoa học. Những việc mà ở các nước văn minh phải coi là scandal thì ở nước ta là thành tích để tuyên dương. Một đại học công gầy dựng được 27 tỉ đống trong 3 năm thì hiệu trưởng được coi là xuất sắc.
Cơ quan quản lý khoa học quốc gia để ối đọng ngân sách hàng trăm tỉ đồng rồi trả lại cho Nhà Nước, sau khi đã xài riêng cho trà nước, giấy bút, trong nội bộ cơ quan tính ra trong một tháng bằng cả tiền lương của 300 giáo sư (!) , ấy thế mà, để xem, có lẽ rồi đây sẽ được kể là thành tích tiết kiệm cho Nhà Nước, có ý thức quý trọng “tiền đổ mồ hôi sôi nước mắt của dân” nên chỉ tiêu thoải mái cho trà nước chứ không dám tiêu, dù chỉ dè sẻn, cho nghiên cứu khoa học. Theo các vị ấy, VN nghiên cứu khoa học thế là quá đủ rồi !