Dự hội thảo có 350 đại biểu đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch các tỉnh vùng Đông Nam bộ; Tổng cục Du lịch, các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước.
Các đại biểu dự Hội thảo phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam bộ
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, liên kết giữa TP.HCM và 5 tỉnh vùng Đông Nam bộ có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau. Sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố là du lịch MICE, du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Trong khi thế mạnh của các tỉnh vùng Đông Nam bộ là du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, sinh thái, ẩm thực và du lịch biển. Vì vậy, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của 6 tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn.
Hội thảo đã giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch mới và chính sách kích cầu du lịch của một số tỉnh vùng Đông Nam bộ như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh. Đồng thời giới thiệu các tuyến du lịch liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam bộ gồm 3 tuyến, đó là TP.HCM – Bình Dương – Tây Ninh; TP.HCM – Bình Dương – Bình Phước; TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ đó kêu gọi và tăng cường hợp tác trong các tuyến du lịch trọng điểm kết nối các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, cũng như kết nối với các tuyến du lịch lữ hành quốc tế đến các đô thị hạ nguồn sông Mê Kông và các nước ASEAN.
Các doanh nghiệp Bình Phước ký kết thỏa thuận hợp tác cung ứng dịch vụ với các doanh nghiệp TP.HCM
Tại hội thảo, đại diện Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của tuyến du lịch xuyên Á qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư – giải pháp liên kết, hợp tác phát triển mới cho ngành du lịch TP.HCM, Bình Dương và Bình Phước.
Theo đó, cùng với TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước cũng được coi là cửa ngõ kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với Campuchia và thị trường các nước Đông Nam thông qua hệ thống đường xuyên Á, trong đó Tây Ninh là tỉnh có khoảng cách ngắn nhất đến PhnomPenh và SieamReap, Bình Phước là tỉnh có khoảng cách gần nhất đến Campuchia – Lào – Thái lan (650km) bằng đường bộ.
Bên cạnh đó, Bình Phước cũng là cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên qua tuyến quốc lộ 14 con đường huyền thoại Hồ Chí Minh. Với diện tích 6.880,6km2; diện tích đất rừng lớn, đa dạng sinh học cao, hệ thống thác, hồ lớn, với 264,4km đường biên giới, 41 dân tộc anh em cùng trong một cộng đồng văn hóa đa dạng, đa sắc tộc, tôn giáo, có thể nói tiềm năng du lịch Bình Phước là rất lớn và còn mang đầy đủ các nét nguyên sơ vốn có.
Tuy vậy đến nay các dự án du lịch mới tập trung ở TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh, nhiều điểm hấp dẫn du lịch ở Bình Phước vẫn chưa được đầu tư khai thác. Bên cạnh đó, qua quá trình hoạt động ngày càng xuất hiện những sản phẩm tương đồng giữa Bình Phước với các địa phương vùng Đông Nam bộ, hoặc có cái gì đó na ná nhau…
Sơ đồ tuyến du lịch “Tình đất đỏ miền Đông” liên kết 3 tỉnh Bình Phước – Bình Dương – TP.HCM
Chính vì vậy, Bình Phước đánh giá cao việc tổ chức “Hội thảo liên kết phát triển du lịch các tỉnh Đông Nam bộ”. Thời gian tới, ngành du lịch Bình Phước sớm cụ thể hóa những nội dung thỏa thuận được lãnh đạo các tỉnh, thành phố ký kết chiều nay vào cuộc sống bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất. Đó là, tập trung hoàn thiện các sản phẩm du lịch hiện hữu trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp lữ hành du lịch tại cuộc khảo sát thực địa ngày 10-6-2020 ở các điểm đến trên địa bàn tỉnh. Kế đến, đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch quốc tế từ TP.HCM, Bình Dương, qua Bình Phước đi Campuchia, Lào và Thái Lan trên hành trình tuyến du lịch xuyên Á qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Đây cũng là giải pháp liên kết, hợp tác phát triển mới cho ngành du lịch TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước bằng việc tăng cường thực hiện liên kết vùng và là “điểm dừng chân” không thể thiếu trong chuyến hành trình xuyên Á với chuỗi sản phẩm và dịch vụ cung ứng hoàn hảo nhất đang được đẩy mạnh hoàn thiện tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tà Thiết.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Bình Phước rất kỳ vọng vào vai trò đầu tàu của ngành du lịch TP.HCM trong việc đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ tập trung vốn cho việc mở rộng và hoàn thiện tuyến giao thông vành đai 5 kết nối TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Vũng tàu, kết nối tuyến xuyên Á. Mặt khác, xây dựng thương hiệu điểm đến chung cho cả vùng Đông Nam bộ (thương hiệu du lịch) tạo ra hình ảnh, bản sắc văn hóa riêng, đặc thù cho vùng Đông Nam bộ. Và để có chính sách riêng, đặc thù cho cả vùng Đông Nam bộ, đề nghị Sở Du Lịch TP.HCM đề xuất lãnh đạo TP.HCM, các tỉnh thành lập Quỹ phát triển du lịch cho vùng Đông Nam bộ.
Tại hội thảo cũng đã diễn ra thỏa thuận ký kết hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ, trong đó có thỏa thuận hợp tác cung ứng dịch vụ giữa doanh nghiệp tỉnh Bình Phước và các doanh nghiệp lữ hành TP.HCM.
[ad_2]