Hội thảo ứng dụng CNTT trong dạy học 2011 – Sở GD-ĐT Bình Phước

I. Đề dẫn

Vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của ứng dụng CNTT trong dạy học đã được chứng minh bằng thực tiễn giáo dục trong và ngoài nước những năm qua, nó cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy và học tập là xu thế tất yếu của giáo dục. Đổi mới phương pháp dạy học bằng CNTT là một chủ đề lớn được UNESCO đưa ra thành chương trình của thế kỷ XXI và dự đoán sẽ có sự thay đổi nền giáo dục một cách căn bản vào đầu thế kỷ XXI do ảnh hưởng của CNTT. Chỉ thị 29/2001/CT-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nêu rõ: “Đối với giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi phương pháp, phương thức dạy và học. Công nghệ thông tin là phương tiện để tiến tới một xã hội học tập”.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của ứng dụng CNTT trong dạy học; ngay từ những ngày đầu thành lập trường (2004), BGH trườngTHPT chuyên Quang Trung đã đặc biệt quan tâm và quyết tâm đưa CNTT vào công tác giảng dạy và học tập. Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực không ngừng của tập thể sư phạm nhà trường, đến nay, 100% giáo viên có thể tự soạn giảng ở mức thành thạo và sử dụng hiệu quả những phần mềm soạn giảng cũng như các thiết bị hỗ trợ để phục vụ công tác chuyên môn. Về phía học sinh, hầu hết các em đã được trang bị phương pháp học tập với tiết học có ứng dụng CNTT và kỹ năng khải thác thông tin phục vụ học tập từ máy tính và Internet.

Tham luận được viết trên tinh thần chia sẻ những kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập tại trường THPT chuyên Quang Trung. Mong rằng có thể góp một phần nhỏ bé vào việc đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy – học tập của thầy và trò các trường phổ thông tỉnh nhà.

II. Nội dung chính

1. Các hoạt động ứng dụng CNTT trong dạy học

Ứng dụng CNTT trong dạy và học là việc ứng dụng nhưng thành tựu của CNTT một cách phù hợp và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Như vậy, Ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập không chỉ được hiểu theo nghĩa đơn giản là dùng máy tính vào các công việc như biên soạn rồi trình chiếu bài giảng điện tử ở trên lớp. Ứng dụng CNTT phải được hiểu là một giải pháp trong mọi hoạt động liên quan đến đào tạo; liên quan đến công việc của người làm công tác giáo dục; liên quan đến hoạt động nghiên cứu, soạn giảng; lưu trữ, tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên học tâp… Và cao hơn, với E-Learning, hoạt động dạy và học ngày nay được diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Trên lớp, ở nhà, ngay tại góc học tập của mình học sinh vẫn có thể nghe thầy cô giảng, vẫn được giao bài và được hướng dẫn làm bài tập, vẫn có thể nộp bài và trình bày ý kiến của mình…

    Nhận thức được điều đó, việc ứng dụng CNTT nhằm
đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, được nhà trường triển khai một cách đầy đủ và thiết thực nhất. Một số hoạt động điển hình về ứng dụng CNTT trong dạy – học được giáo viên thực hiện thành công và mang lại hiệu quả cao như:

  • Tra cứu thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, nâng cao kiến thức chuyên môn và lấy tư liệu hỗ trợ soạn giảng;
  • Sử dụng các phần mềm hỗ trợ soạn giảng để tạo bài giảng điện tử như MS Powerpoint, Violet, iSpring Presenter và các phần mềm dựng phim, nhạc…
  • Sử dụng các phần mềm hỗ trợ làm đề thi/kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh như McMix, Quest, MS Excel…
  • Sử dụng diễn đàn, email như một phương tiện để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với giáo viên các trường bạn trong cả nước.
  • Triển khai các tiết học có ứng dụng CNTT, có sử dụng bài giảng điện tử. Đoàn thanh niên nhà trường cũng tổ chức ghi hình để dự giờ tập thể (ghi hình tiết dạy sau đó tổ chức chiếu lại để cả chi đoàn GV dự giờ, phân tích, góp ý xây dựng bài).

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xác định rõ rằng: CNTT chỉ là phương tiện tạo thuận lợi cho triển khai phương pháp dạy học tích cực chứ không phải là điều kiện đủ của phương pháp này. Không lạm dụng công nghệ nếu chúng không tác động tích cực đến quá trình dạy học. Để một giờ học có ứng dụng CNTT là một giờ học phát huy tính tích cực của học sinh thì điều kiện tiên quyết là việc khai thác CNTT phải đảm bảo các yêu cầu và tính đặc trưng của phương pháp dạy học tích cực mà giáo viên sử dụng. Cần tránh việc dùng slide trình chiếu chỉ để thay việc viết bảng mà lại coi đó là tiết dạy ứng dụng CNTT (cần phân biệt thế nào là giáo án điện tử, bản trình chiếu, bài giảng điện tử hay bài giảng điện tử theo chuẩn E-Learning).

2. Quá trình tổ chức thực hiện

Trong quá trình triển khai thực hiện dĩ nhiên sẽ vướng mắc nhiều khó khăn. Nhận diện khó khăn để tìm giải pháp khắc phục và vượt qua là công việc thường xuyên trong quá trình tổ chức thực hiện. Những khó khăn điển hình thường gặp trong việc ứng dụng CNTT trong dạy-học như:

  • Về đội ngũ giáo viên: Trình độ, kiến thức về CNTT, kỹ năng sử dụng máy tính và các phương tiện hỗ trợ của giáo viên không đồng đều, thậm chí có người chỉ dùng máy tính với mục đích duy nhất là soạn thảo văn bản.
  • Về học sinh: Nhiều học sinh rất ít có điều kiện tiếp xúc với máy tính hoặc một số em chưa từng biết sử dụng máy tính cũng là khó khăn cần được quan tâm.
  • Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy học, đặc biệt là phục vụ cho việc dạy tin học và ứng dụng CNTT của nhà trường còn nhiều hạn chế: Thiếu các phòng học chức năng; số máy tính phục vụ cho học tin học của học sinh còn ít.

Là người được giao nhiệm vụ phụ trách công tác triển khai ứng dụng CNTT trong nhà trường, tôi xin được chia sẻ với quý thầy cô một số giải pháp khắc phục những khó khăn trên để thực hiện hiệu quả hơn việc ứng dụng CNTT trong dạy-học. Trong hệ thống các giải pháp, nhà trường chú trọng một số giải pháp sau:

2.1. Công tác bồi dưỡng đội ngũ

Xác định Con người là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công trong việc ứng dụng CNTT vào trong quản lý và giảng dạy. Do đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, các kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ giáo viên.

2.1.1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên

Đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên thấy rõ hiệu quả và yêu cầu mang tính tất yếu của ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua nhiều hình thức như: triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành về ứng dụng CNTT trong dạy học; thông qua các buổi họp hội đồng sư phạm, sinh hoạt chuyên môn tổ khối, hội thảo chuyên đề…

Đặc biệt, để triển khai thành công thì trước hết, lãnh đạo nhà trường phải nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong dạy-học, từ đó quan tâm, tạo điều kiện và quyết tâm triển khai thực hiện. Nếu chỉ phát động mà không quan tâm, không thể hiện quyết tâm và thực hiện những biện pháp bổ sung thì việc ứng dụng CNTT của giáo viên cũng không thể mang lại kết quả như mong đợi.

2.1.2. Nâng cao trình độ Tin học và kỹ năng ứng dụng CNTT giáo viên và học sinh

Như đã trình bày, một trong những khó khăn cơ bản của việc triển khai ứng dụng CNTT trong day-học là tâm lý ngại khó, ngại cái mới của giáo viên (đặc biệt là giáo viên đã lớn tuổi). Như vậy, muốn triển khai hiệu quả, muốn được tất cả các giáo viên đón nhận thì ngoài công tác tư tưởng còn cần làm thế nào đó cho họ thấy việc ứng dụng CNTT không quá khó và họ hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhận thức được điều đó, nhà trường rất chú trọng bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho giáo viên thông qua nhiều hoạt động, như:

  • Xây dựng đội ngũ cốt cán:

Phân công cho ít nhất một giáo viên có đủ năng lực và tâm huyết phụ trách công việc này, sẵn sàng tạo điều kiện cho giáo viên học tập và tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng lực (Ngay từ khi mới thành lập trường (2004), BGH đã phân công một GV phụ trách ứng dụng CNTT).

Với các tổ chuyên môn, mỗi tổ cử một giáo viên chịu trách nhiệm chính để được tập huấn và hỗ trợ đồng nghiệp trong tổ công tác soạn giảng với CNTT.

  • Tổ chức tập huấn đại trà

Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm hỗ trợ soạn giảng. Các lớp tập huấn này được tổ chức theo hình thức trao đổi giúp đỡ lẫn nhau, tập trung chủ yếu vào những kỹ năng mà giáo viên cần sử dụng trong quá trình soạn giảng hàng ngày và phải bắt đầu từ những kỹ năng đơn giản nhất như cách tra cứu và tìm kiếm thông tin, cách chuyển đổi các loại phông chữ, cách sử dụng một số phương tiện như máy chiếu, máy quay phim, chụp ảnh, các bước soạn một bài trình chiếu, các phần mềm thông dụng, cách thiết kế bài kiểm tra,… mà báo cáo viên chính là đội ngũ cốt cán của trường.

Điều quan trọng là phải có cách động viên giáo viên tích cực tự học, khiêm tốn học hỏi, sẵn sàng chia sẻ, luôn cầu thị tiến bộ, thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp; tạo ra một môi trường học hỏi chuyên môn tích cực.

Để làm được điều này, ngoài sự nhiệt tình của đội ngũ cốt cán thì BGH phải luôn quan tâm sâu sát, đi đầu gương mẫu, cùng học hỏi- cùng làm với giáo viên thì mới hiểu được họ yếu ở điểm nào, gặp khó khăn ở khâu nào, cần giúp đỡ gì (trong các buổi tập huấn về CNTT, tất cả các phó hiệu trưởng của nhà trường đều tham gia).

  • Tổ chức học tin học và bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT trong học tập cho học sinh

Ngay từ năm học đầu tiên (2003 – 2004) nhà trường đã tổ chức dạy tin học chính khóa cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12. Từ khi Bộ GD&ĐT triển khai dạy Tin học THPT nhà trường vẫn duy trì dạy tin học nghề nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính và ứng dụng CNTT vào trong học tập cho học sinh.

3. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị

Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp cùng với sự tích cực tham mưu của nhà trường, đến nay tình trạng cơ sở vật chất về tin học và công nghệ thông tin của nhà trường đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên ở đây xin được chia sẻ với thầy cô kinh nghiệm tổ chức thực hiện trong những năm đầu, thời điểm nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn về CSVC khi triển khai thực hiện với mong muốn có thể giúp các trường có điều kiện còn khó khăn có thể tìm được giải pháp phù hợp. Trước năm 2007, Số máy tính phục vụ cho giáo viên dùng để soạn giảng chỉ có 2 máy đặt tại thư viện, Internet vnn1269, giáo viên hầu hết chưa có máy tính xách tay (laptop), có 02 máy chiếu projector và một số phương tiện khác. Khi đó, để đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và phát huy hiệu quả của những thiết bị ít ỏi đó, nhà trường đã dành một phòng học để làm phòng nghe nhìn, cắt cử một giáo viên kiêm nhiệm làm việc xếp lịch và hỗ trợ kỹ thuật giúp giáo viên thực hiện các tiết dạy có ứng dụng CNTT (về chế độ thì áp dụng chế độ của giáo viên kiêm nhiệm phòng thí nghiệm, thiết bị).

    Từ khi có mạng ADSL, nhà trường đã triển khai mạng không dây phủ sóng toàn trường và hệ thống dây cap mạng đến từng phòng làm việc của khu hành chính và các phòng ở của giáo viên ở KTX để phục vụ giáo viên tra cứu thông tin phục vụ nghiên cứu và soạn giảng.

Hiện nay, ngoài việc duy trì và phát huy công năng của phòng nghe nhìn với nhiều thiết bị hiện đại (máy chiếu đa năng, màn hình kép, máy chiếu vật thể, hệ thống thu và ghi tín hiệu truyền hình vệ tinh là tư liệu giảng dạy…) nhà trường có trang bị máy chiếu (projector) cho các phòng học. Kết nối cáp quang cho khu hành chính, thư viện và phòng chờ của giáo viên. Đầu tư mua sắm và giao cho mỗi tổ trưởng chuyên môn một máy tính xách tay để chuyên dùng cho việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy của tổ.

Ở KTX học sinh, nhà trường bố trí 10 máy tính có kết nối Internet hoạt động thường xuyên, miễn phí cho học sinh tra cứu phục vụ học tập.

III. Kết quả đạt được

Bằng sự cố gắng không ngừng của cả thầy và trò nhà trường cùng với sự quan tâm – tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, trong những năm qua, thầy và trò trường chuyên Quang Trung đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Những kết quả đáng trân trọng đó là kết quả của mối tổng hòa các hoạt động giáo dục của nhà trường, là sự kết hợp có chọn lọc các phương pháp, phương tiện giáo dục phục vụ mục tiêu chung của nhà trường trong đó không thể không kể đến việc tích cực ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy và học tập.

Riêng về công tác ứng dụng CNTT trong dạy học, đến nay, 100% giáo viên có thể tự soạn giảng ở mức thành thạo và sử dụng hiệu quả những phần mềm soạn giảng cũng như các thiết bị hỗ trợ để phục vụ công tác chuyên môn. Từ những ngại khó, sợ mới ban đầu; đến này, giáo viên đã thực hiện các bài giảng điện tử, các tiết học có ứng dụng CNTT một cách tự giác và hiệu quả chứ không hề có tính áp đặt, chỉ tiêu.

Giáo viên có kỹ năng tra cứu thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, nâng cao kiến thức chuyên môn và lấy tư liệu hỗ trợ soạn giảng; sử dụng các phần mềm hỗ trợ làm đề thi/kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh giúp công việc được tiến hành khoa học và tiết kiệm được nhiều thời gian.

Sử dụng thành thạo diễn đàn, email, mạng xã hội… Xây dựng website nhà trường ngày một hữu ích và được nhiều người biết đến, trở thành cầu nối hiệu quả với gia đình học sinh cũng như các đơn vị bạn. Cũng qua đó, giáo viên và các tổ chức đoàn thể có thể thăm nắm được tâm tư nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh, nhằm kết hợp giáo dục đạt hiệu quả cao nhất. (năm 2008, tại hội nghị Toàn quốc CNTT trong giáo dục, website e-learning của nhà trường đã được cục CNTT đánh giá là website tiêu biểu khối THPT).

Tổ chức được nhiều buổi dự giờ tập thể giúp giáo viên có điều kiện rút kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm soạn giảng và ứng dụng CNTT trong tiết dạy đã góp phần tích cực vào việc sớm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kết quả giáo dục của nhà trường.

Về phía học sinh, các em đều được trang bị phương pháp học tập với tiết học có ứng dụng CNTT và kỹ năng khải thác thông tin phục vụ học tập từ Internet. Các em biết cách tìm kiếm và chắt lọc thông tin phục vụ học tập trên internet.

IV. Bài học kinh nghiệm

Việc ứng dụng CNTT vào dạy học góp phần đổi mới phương pháp dạy học là một công việc khó khăn, lâu dài, đòi hỏi rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất và năng lực của đội ngũ giáo viên. Do đó, để đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển CNTT trong dạy học có hiệu quả cần có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất của các cấp, sự chỉ đạo đồng bộ của ngành – của mỗi nhà trường và đặc biệt là sự nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm của bản thân mỗi giáo viên.

V. Kết luận & ý kiến đề xuất

Chúng ta đều nhận thức rõ vai trò của CNTT trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và hơn ai hết chúng ta cũng nhận thức rõ lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập. Về phía lãnh đạo các cấp cũng đặc biệt quan tâm và đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc ứng dụng CNTT trong ngành. Cơ sở hạ tầng về CNTT trong trường học đã đầu tư tương đối đầy đủ và đã đáp ứng được việc ứng dụng CNTT và công tác dạy và học của hầu hết các trường. Đó là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong trường phổ thông. Vì vậy, ứng dụng thành công hay không, có mang lại lợi ích như mong muốn hay không chỉ còn là sự quyết tâm và phương pháp tổ chức của trường.

Để triển khai việc ứng dụng CNTT vào công tác dạy – học được hiệu quả hơn trong thời gian tới, tôi xin có một số đề xuất sau:

1. Đối với cấp trường:

  • Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên nâng cao trình độ, kỹ năng.
  • Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học và kỹ năng ứng dụng CNTT cho toàn thể giáo viên ít nhất mỗi năm một lần.
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có thời gian tiếp xúc với máy tính, với Internet nhưng cần có sự kiểm soát của giáo viên hoặc gia đình học sinh.
  • Tổ chức hội thảo chuyên đề cấp trường về ứng dụng CNTT trong dạy học. Có thể mời giáo viên của các trường bạn tham gia báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm.
  • Tổ chức dự giờ tập thể, tổ chức thi giảng dạy có ứng dụng CNTT nhằm tuyên dương, khuyến khích những cá nhân xuất sắc.
  • Xây dựng website trường học một cách bài bản, chính quy; có diễn đàn để giáo viên, học sinh trong và ngoài trường chia sẻ kiên thức, kinh nghiệm và làm kênh thông tin, giao tiếp hiệu quả cho cả giáo viên và học sinh.
  • Về các phần mềm thiết yếu, xin được giới thiệu nhưng phần mềm sau: Bộ gõ (Unikey), phần mềm văn phòng (MS Ofice hoặc Open office), soạn bài giảng (iSpring presenter hoặc Adobe presenter, Violet, Lecture Maker), công cụ gõ công thức và vẽ hình toán, lý, hóa (Science Helper For Ms Word, Chemwin, Math Type), phần mềm làm đề trắc nghiệm (McMix, Quest hoặc ConQuest), tải tư liệu (IDM, Teleport pro), xử lý phim, ảnh (Windows Movie maker, Picasa). Cao hơn, có thể tìm hiểu các phần mềm flash, 3DxMax để mô phỏng thí nghiệm và các hiện tượng phục vụ dạy học.

2. Đối với cấp sở:

– Sở GD-ĐT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về CNTT cho giáo viên mà đặc biệt là tập huấn về phương pháp xây dựng Bài giảng điện tử qua đó tạo điều kiện cho giáo viên được bổ sung kiến thức và giao lưu học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp nhằm nâng cao chuyên môn.

– Tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử e-Learning cấp tỉnh nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng CNTT trong dạy và học.

– Tổ chức hội nghị ứng dụng CNTT trong giáo dục cấp tỉnh và nếu đủ nguồn lực thì tổ chức hội nghị mở rộng các tỉnh lân cận hoặc miền đông nam bộ như Đồng Nai, Vũng Tàu trước đây đã từng làm.

Trên đây là báo cáo tham luận về “Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập ở trường THPT chuyên Quang Trung”; tuy đã rất cố gắng chắt lọc song chắc chắn báo cáo không tránh khỏi có phần thiếu sót, phiến diện; nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm góp ý của các đơn vị bạn, sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT để nhà trường phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.