Nội san Dạy và học | Paul Penn | Minh Châu dịch
Nguồn: https://psyche.co/guides/how-research-from-psychology-can-help-you-study-effectively
Hãy ngưng việc nhồi nhét kiến thức, vứt bỏ bút nhớ và dừng ngay cách đọc một cách thụ động. Tâm lý học sẽ cho bạn những chiến thuật tốt hơn cho việc học.
Có thể bạn chưa biết?
“Không phải điều ta không biết gây rắc rối cho ta. Mà đó chính là điều ta tưởng mình đã biết”
(Danh ngôn thế kỷ 19)
Đó là năm 1993, khi tôi 16 tuổi và đang chuẩn bị cho bài thi GCSE Địa lý của mình. Đây là một bài kiểm tra công khai tổ chức theo hình thức cũ và diễn ra ở phòng tập thể dục của trường. Xung quanh là mùi khó chịu của sáp sàn và bụi bay mù mịt trong không khí. Những chiếc bàn đơn từ thời Victoria có chỗ để lọ mực đã hoàn toàn dư thừa trong suốt 3 thế hệ qua, được xếp thành hàng với ngay ngắn một cách đáng kinh ngạc. Sự im lặng quá mức mất tự nhiên và sự ngột ngạt – dường như hữu hình trong không khí.
Tuy nhiên, tôi đã nhồi nhét mọi thứ cho kỳ thi này giống như một nhà vô địch thực thụ và cảm thấy vô cùng tự tin khi bước vào phòng thi. Tôi hít một hơi thật sâu, sau đó mở đề thi và nhìn một lượt các câu hỏi ở trang đầu. Tôi nhanh chóng đón nhận một sự thật đau lòng được ghi lại một cách hoàn hảo chỉ bằng một vài chữ khắc trên bề mặt trầy xước của chiếc bàn: “Đại học, ta đến đây!, 1992”.
Rõ ràng, tôi không phải là người duy nhất có niềm tin vào việc luyện thi đặt không đúng chỗ. Tuy nhiên, mãi 12 năm sau khi bắt đầu dạy về tâm lý học, tôi mới hoàn toàn hiểu lý do của việc này. Tin buồn là: Nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng con người không có khả năng theo dõi và đánh giá chính xác mức độ nhận thức và kỹ năng của mình (còn được gọi là khả năng siêu nhận thức). Những thiếu sót này thường cho chúng ta nhận thức sai lệch về kiến thức và sự hiểu biết. Điều này là nguyên nhân khiến con người luôn kiên trì với những phương pháp học tập không hiệu quả – dẫn đến làm suy yếu nỗ lực học tập. Thật dễ dàng để nhận ra điều này bằng việc nghiên cứu một số phương pháp học tập mà nhiều người ưa thích và xem xét phương pháp này đã gây ra những quan niệm sai lầm nào về học tập. Hãy bắt đầu với phương pháp “học nhồi”, rất quen thuộc với nhiều người.
“Học nhồi” chính là cách thức chúng ta học khối lượng lớn kiến thức trong khoảng thời gian ngắn. Thông thường, buổi tối trước hôm kiểm tra, chúng ta bắt đầu vật lộn với đống tài liệu ngổn ngang và những cốc nước tăng lực sẽ là trợ thủ đắc lực giúp ta tập trung tốt hơn khi học. Cuối cùng, yêu cầu duy nhất trong ngày là sự năng suất – chính là thời gian của sự nhồi nhét. Một điều chắc chắn mà nghiên cứu này đã khẳng định đó là học sinh nào cũng có ít nhất một lần “học nhồi” trong suốt quãng thời gian đi học của mình.
Tuy nhiên, kể từ thế kỷ 19, nghiên cứu tâm lý học đã chứng minh sự phân bổ thời gian học tập thành những thời gian ngắn hơn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn so với việc học nhồi nhét. Khái niệm này có tên là “hiệu ứng giãn cách”. Đây là một trong những phát hiện hiếm hoi của tâm lý học mà không được kiểm chứng. Do đó, nó không được biết đến rộng rãi – khiến mọi người trở nên lúng túng khi áp dụng.
Một cách tiếp cận phổ biến khác đó là việc đọc đi đọc lại các nguồn học tập. Thật không khó để giải thích hành động này. Nếu một ai đó đọc nhiều lần một kiến thức, nó sẽ trở nên quen thuộc hơn với họ. Nhưng nhiều người lầm tưởng rằng sự “thuộc bài” này chính là biểu hiện của sự tiến bộ. Đáng buồn là nhận thức về sự tiến bộ này thưởng là ảo tưởng. Phương pháp này đã lu mờ đi sự khác biệt lớn nhất giữa điều kiện học tập và thi cử: mọi thứ trở nên dễ dàng nếu chúng ta có câu trả lời trước mắt. Tiếc thay, phần lớn các kỳ thi không cho phép ta làm điều này.
Việc phụ thuộc vào tài liệu một cách thụ động đã phản ánh một quan niệm sai lầm khi nhận thức về bản chất của trí nhớ. Với tôi, cơ chế này giống hoạt động của chiếc máy ảnh kiểu cũ – cái mà phải cần đến 30 phút để có thể chụp được một tấm ảnh, trong suốt lúc đó vật thể phải giữ nguyên vị trí nếu không muốn làm hỏng tấm hình. Ý tưởng được nảy sinh từ chiếc máy ảnh này ru ngủ chúng ta, khiến ta hiểu rằng để ghi nhớ thành công cái gì đó phụ thuộc rất lớn vào thời gian chúng ta “phơi” trang sách trước mắt mình và cách tương tác như vậy sẽ giúp chúng ta “lưu được một hình ảnh” về kiến thức đó. Tuy nhiên, việc cho rằng trí nhớ vận hành như một chiếc máy ảnh thời Victoria là sai lầm và vô dụng khi bạn học.
Trí nhớ con người không thụ động như thế: Nó chủ động tái tạo kiến thức, kinh nghiệm và kỳ vọng theo những gì trước đây chúng ta thu nạp. Sử dụng bộ nhớ một cách hiệu quả không phải việc tối đa hóa khả năng tiếp xúc với một nguồn thông tin mà tìm ra cách để sử dụng các nguồn kiến thức, kinh nghiệm và kỳ vọng trước đây để tích hợp thông tin mới với những gì chúng ta đã biết.
Dù cho các nhà tâm lý học không ủng hộ điều này. Đối với nhiều người, việc học nhồi nhét hay đọc nhiều lần một nguồn kiến thức vẫn mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hãy thử xem xét những lựa chọn hiệu quả hơn. Những phương pháp mà tôi sắp giới thiệu dưới đây có thể áp dụng ở bất kỳ lĩnh vực nào và cũng không yêu cầu có sự hiểu biết về tâm lý học. Bằng cách thực hiện những thay đổi cơ bản trong khi học, bất kỳ ai cũng có thể cải thiện kết quả học tập của mình.
Cần làm gì?
• Phân chia thời gian học tập
Như đã chia sẻ ở trên, việc chia nhỏ thời gian học tập sẽ có hiệu quả hơn là cố gắng nhồi nhét kiến thức trước kỳ thi. Khi xem xét và áp dụng phương pháp này vào chính việc học của bản thân, hãy tự hỏi rằng: Thời gian một chu kỳ học là bao lâu? Khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa 2 lần tối ưu là bao nhiêu?
Tin tốt là có đầy đủ hướng dẫn lên lịch học tập hiệu quả cho mọi người. Thời gian ngắn tối ưu hơn là thời gian dài. Ví dụ, nếu bạn dành 12 tiếng cho việc học thì hãy chia nhỏ thời gian thành 6 buổi (mỗi buổi 2 tiếng) thay vì học liên tục trong vòng 6 tiếng. Về thời gian nghỉ ngơi giữa hai lần học, nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng nghỉ dài có tỷ lệ lưu trữ thông tin tốt hơn. Tuy nhiên, vì việc học thường diễn ra trong một khung thời gian giới hạn, bạn nên ưu tiên số lượng chu kỳ học học hơn là có khoảng thời gian nghỉ giữa các buổi học dài nhất có thể.
• Luân phiên giữa các các chủ đề
Chúng ta luôn cho rằng cách tốt nhất đề học chính là tập trung vào một chủ đề duy nhất. Tuy nhiên, các nghiên cứu đương đại đã liên tục chỉ ra rằng việc thay phiên học các chủ đề khác nhau sẽ đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt với các đề tài có tính chất tương tự nhau hay dễ bị nhầm lẫn.
Nếu bạn đang học về thuốc kích thích thần kinh, bạn có thể tìm hiểu thêm về các loại thuốc khác như: chất kích thích, thuốc trầm cảm và chất gây ảo giác. Nói chung, bạn có thể giải quyết chủ đề theo hai hướng: chặn (1) hoặc xen kẽ (2). Cách tiếp cận đầu tiên, bạn sẽ học từng loại thuốc, kết thúc bằng việc đánh giá là bài học trước khi chuyển sang nghiên cứu loại thuốc khác. Ngược lại, với phương pháp xen kẽ, bạn đan xen học các loại thuốc khác nhau bằng việc sắp xếp kiến thức theo các trụ cột thông tin: định nghĩa, ví dụ, cơ chế hoạt động, hiệu ứng tâm lý. Đầu tiên, bạn học về định nghĩa, tiếp theo là tìm hiểu ví dụ, cơ chế hoạt động và cuối cùng là hiệu ứng tâm lý.
Nghiên cứu chỉ ra rằng phương pháp xen kẽ dường như khiến bạn tập trung vào việc tìm kiếm sự khác biệt giữa các chủ đề. Phương pháp này sẽ hiệu quả khi học các chủ đề tương tự nhau. Nó cũng có hiệu quả trong những điều kiện mà bạn có thể tùy ý trong việc sắp xếp và phân loại thông tin. Ngược lại, phương pháp chặn dường như tập trung sự chú ý vào việc tìm kiếm những điểm tương đồng giữa các chủ đề. Do đó, nó được sử dụng tốt nhất cho các chủ đề có thể dễ dàng phân biệt và / hoặc khi đã biết danh mục cụ thể mà thành tố ấy thuộc về.
• Tập trung xây dựng sự hiểu biết riêng về một chủ đề, không rập khuôn kiến thức của người khác.
Như đã nói, nếu phụ thuộc một cách bị động vào việc đọc lại tài liệu khóa học, chúng ta sẽ có xu hướng sử dụng trí nhớ của mình để cố gắng tái tạo sự hiểu biết của tác giả thay vì tạo sự hiểu biết cho riêng mình.
Vậy làm thế nào để biến kiến thức được học thành cái của riêng mình? Câu trả lời là đặt câu hỏi với những gì bạn đang học. Khi trả lời những câu hỏi này, chúng ta buộc bản thân suy nghĩ cách giải thích vấn đề bằng lời của mình và dựa trên những hiểu biết trước đó.
Sử dụng phương pháp “tiếp cận tỉ mỉ” để kết hợp một cách thống nhất vào bài đọc của mình. Kỹ thuật này đòi hỏi bạn phải chú thích các nguồn thông tin bằng các câu hỏi có yêu cầu giải thích từ chính bạn. Ban đầu, chúng ta có thể trả lời câu hỏi bằng lời nói với sự hỗ trợ của tài liệu tham khảo. Quá trình này sẽ kết thúc khi chúng ta tự trả lời câu hỏi mà không cần bất kỳ tài liệu nào.
Hãy tập trung giải thích càng nhiều càng tốt vì mục đích chính của việc này chính là tạo nhiều thông tin ý nghĩa nhất có thể. Bắt đầu câu hỏi bằng từ “tại sao” hay “như thế nào” là một gợi ý hay dành cho mọi người.
• Học cách truy xuất thông tin là phần quan trọng của học tập
Cho rằng mục đích của việc học là để chuẩn bị cho một kỳ thi nào đó, thật trớ trêu khi chúng ta có xu hướng ưu tiên các phương pháp như đọc lại để kiểm tra khả năng truy xuất thông tin từ bộ nhớ (thực hành truy xuất). Kiểm tra không chỉ là một cách đo lường việc học; nó cũng có thể là một cơ chế học tập mạnh mẽ. Đây là một trong những phát hiện khác trong tâm lý học mà cho đến nay vẫn được coi là tiên đề. Nó được gọi là hiệu ứng thử nghiệm.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, cả thành công và thất bại trong việc truy xuất đều hữu ích cho trí nhớ. Cả hai kết quả đều phục vụ cho việc điều chỉnh sự tự tin trong nhận thức con người về kiến thức.
Chúng ta không nên sai lầm khi coi thực hành truy xuất như một bước trong quá trình “học để kiểm tra”. Tính hữu ích của nó không giới hạn trong các trường hợp biết những câu hỏi nào sẽ được đưa ra trong một kỳ thi sắp tới. Hiệu quả của nó cũng không phụ thuộc vào sự phù hợp giữa nội dung hoặc định dạng của thực hành truy xuất và kỳ thi cuối cùng bạn thực hiện. Hơn nữa, lợi ích của thực hành truy xuất không chỉ giới hạn ở các dữ kiện; chúng cũng mở rộng đến các khái niệm và việc chuyển giao kiến thức từ miền này sang miền khác.
Mọi người có thể thực hành truy xuất thông tin bằng cách sử dụng phương pháp đọc, đọc thuộc lòng và đánh giá. Ví dụ, khi đọc một đoạn văn ngắn, mọi người hãy cố gắng nhớ lại thông tin mà không cần sử dụng tài liệu, trước khi kiểm tra độ chính xác so với nguồn thực tế. Lặp đi lặp lại bước này cho đến khi hiểu được ý nghĩa của vấn đề mới chuyển qua kiến thức mới.
• Đừng chỉ đánh dấu tài liệu mà hãy suy nghĩ về nó
Đánh dấu văn bản là một phương pháp phổ biến và được nhiều người áp dụng. Việc xác định những ý chính trong bài sẽ giúp tăng sự tập trung khi học, đồng thời giảm gánh nặng cho bộ nhớ.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phương pháp đánh dấu lại mang hiệu quả không như mong đợi, thậm chí lại kết quả không tốt cho người học. Điều quan trọng của việc đánh dấu là hiểu được tại sao thông tin đó lại quan trọng hơn so các phần khác. Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tương tác giữa người đọc và văn bản.