Bạn dễ dàng xác định “beautiful”, “cute” hay “nice” là những tính từ mô tả trong tiếng Anh, nhưng liệu có biết “many”, “half” cũng là một loại tính từ?

1. Descriptive (tính từ mô tả)

Những từ như “beautiful” (đẹp), “cute” (dễ thương), “silly” (ngớ ngẩn), “tall” (cao), “annoying” (khó chịu), “loud” (ồn ào) và “nice” (tốt đẹp) đều là tính từ mô tả, để bổ sung thông tin, được dùng rất nhiều trong các cuộc trò chuyện thông thường giữa bạn bè.

Không chỉ người mới bắt đầu học tiếng Anh mà cả những người học tiếng Anh học thuật và tiếng Anh thương mại cũng cần biết tính từ mô tả thông dụng.

Ví dụ:

– “The flowers have a smell” (Những bông hoa có mùi hương). Câu này chỉ nói lên một sự thật, không có tính từ để mô tả bông hoa hay mùi hương của chúng như thế nào.

– “The beautiful flowers have a nice smell” (Những bông hoa đẹp có mùi thơm). Câu này cung cấp nhiều thông tin hơn với hai tính từ mô tả.

2. Quantitative (Tính từ định lượng)

Tính từ định lượng mô tả số lượng của một thứ gì đó. Nói cách khác, chúng trả lời cho câu hỏi “How much” hoặc “How many” (bao nhiêu). Các số như 2 hay 30 đều thuộc loại tính từ này. Các từ tổng quát hơn như “many” (nhiều), “half” (nửa) hay “a lot” (rất nhiều) cũng vậy.

Ví dụ:

– “How many children do you have”? – “I only have one daughter”. (Bạn có bao nhiêu con? – Tôi chỉ có một đứa con gái).

– “Do you plan on having more kids?” – “Oh yes, I want many children”! (Bạn có dự định sinh thêm con không? – Ồ có chứ, tôi muốn có nhiều con).

– “I can’t believe I ate that whole cake”! (Tôi không thể tin là mình đã ăn hết cái bánh đó).





Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

3. Demonstrative (Tính từ chỉ thị)

Tính từ chỉ thị mô tả bạn đang nói đến danh từ hoặc đại từ nào. Chúng bao gồm các từ “this” (được dùng để chỉ danh từ số ít gần với bạn), “that” (chỉ danh từ số ít ở xa bạn), “these” (chỉ danh từ số nhiều ở gần bạn), “those” (chỉ danh từ số nhiều ở xa bạn). Các tính từ chỉ thị luôn đứng trước vật mà nó chỉ tới.

Ví dụ:

– “Which bicycle is yours”? – “This bicycle is mine, and that one used to be mine until I sold it”. (Xe đạp nào là của bạn? – Chiếc xe đạp này là của tôi và chiếc đó từng là của tôi cho đến khi tôi bán nó).

Đôi khi, giống như khi đang trả lời câu hỏi, bạn có thể bỏ đi danh từ được mô tả mà chỉ dùng tính từ chỉ thị. Chẳng hạn, bạn có thể trả lời “I want to buy two cakes” (Tôi muốn mua hai cái bánh) hoặc cũng có thể nói “I want to buy two“.

4. Possessive (Tính từ sở hữu)

Tính từ sở hữu thể hiện sự sở hữu, dùng để mô tả một thứ thuộc về ai đó. Các tính từ sở hữu phổ biến là “my”, “his”, “her”, “their”, “our”, “your”.

Tất cả tính từ này, ngoại trừ “his”, chỉ có thể sử dụng trước một danh từ. Bạn không thể nói “That’s my” mà phải nói là “That’s my pen” (Đó là cái bút của tôi). Khi muốn loại bỏ danh từ hoặc đại từ, bạn có thể sử dụng các tính từ sở hữu sau để thay thế: “mine”, “his”, “hers”, “theirs”, “yours”, “ours”. Nói “That’s my” không đúng, nhưng nói “That’s mine” lại đúng.

Ví dụ:

“Whose dog is that”? – “He’s mine. That’s my dog”. (Con chó của ai vậy? – Nó là của tôi. Đó là con chó của tôi).

5. Interrogative (Tính từ nghi vấn)

Tính từ nghi vấn luôn được sử dụng khi đặt câu hỏi. Những tính từ này luôn được theo sau bởi một danh từ hoặc đại từ và được sử dụng để tạo thành các câu hỏi.

Các tính từ nghi vấn là “Which” (Cái nào), “What” (Cái gì), “Whose” (Của ai). Các từ này chỉ được coi là tính từ nếu ngay sau chúng là một danh từ. Chẳng hạn trong câu “Which color is your favorite”? (Màu sắc yêu thích của bạn là gì), “Which” là tính từ. Nhưng trong câu “Which is your favorite color”, “Which” chỉ là từ để hỏi.

Ví dụ khác về tính từ nghi vấn:

– “Which song will you play on your wedding day”? (Bạn sẽ chơi bài hát nào trong ngày cưới của bạn)?

– “What pet do you want to get”? (Bạn muốn nhận nuôi thú cưng nào)?

– “Whose child is this”? (Đây là con của ai)?

6. Distributive (Tính từ phân phối)

Tính từ phân phối mô tả một thành phần, thành viên cụ thể trong nhóm. Những từ này được dùng để chỉ ra một hoặc nhiều mục hoặc người riêng lẻ. Một số tính từ phân phối phổ biến nhất gồm “each”, “every”, “either”, “neither”, “any”. Những tính từ này luôn đi trước danh từ hoặc đại từ.

Ví dụ:

– “Every rose has its thorn”. (Mỗi bông hồng đều có gai).

– “Which of these two songs do you like”? – “I don’t like either song”. (Bạn thích bài hát nào trong hai bài này? – Tôi không thích một trong hai bài“.

7. Articles (Mạo từ)

Chỉ có ba mạo từ bằng tiếng Anh là “a”, “an” và “the”. Người học tiếng Anh có thể khó sử dụng các mạo từ một cách chính xác vì nhiều ngôn ngữ không có chúng.

Mặc dù mạo từ là một phần riêng biệt của ngôn ngữ, về mặt lý thuyết, chúng cũng là một loại tính từ. Các mạo từ được sử dụng để mô tả danh từ mà bạn đang đề cập đến. Có thể nghĩ về chúng như tính từ sẽ giúp bạn biết nên sử dụng cái nào.

Ví dụ: “A cat” có thể được dùng để chỉ bất kỳ con mèo nào trên thế giới. “The cat” được dùng để chỉ còn mèo vừa đi ngang qua.

Một mẹo khác để xác định nên dùng mạo từ nào là hãy thử thêm một tính từ chỉ thị vào trước danh từ. Nếu câu vẫn giữ được sự hợp lý, bạn có thể dùng “the”, còn câu bị thay đổi ý nghĩa thì hãy dùng “a” hoặc “an”.

Ví dụ:

– Nếu câu “I don’t understand this question” (Tôi không hiểu câu hỏi này) là hợp lý thì bạn cũng có thể nói “I don’t understand the question”.

– Nếu câu “I need this tissue” (Tôi cần giấy ăn) không hợp lý (vì bạn không cần một tờ giấy ăn cụ thể, đặc biệt nào đó) thì bạn nên viết “I need a tissue”.

Theo FluentU

[ad_2]