Hà NộiVới chiến lược thời gian 15 phút – 20 phút – 25 phút cho từng bài, Diễm Hằng luôn giành điểm cao ở kỹ năng đọc bài thi IELTS.
Trong lần thi IELTS hồi đầu năm, Nguyễn Thị Diễm Hằng, giảng viên tiếng Anh của Đại học Xây dựng, đạt 8.0, trong đó Reading được 9.0, cao hơn lần thi trước 0,5 điểm. Hai năm một lần, cô giáo 26 tuổi lại thi IELTS để đánh giá trình độ.
Hằng cho biết trong bài thi đọc, thí sinh thường gặp khó với dạng Matching Heading (nối tiêu đề) và Multiple Choices (trắc nghiệm nhiều lựa chọn), đôi khi nhầm lẫn khi làm dạng bài True, False, Not Given. Hằng chia sẻ cách học Reading để đạt điểm cao IELTS:
Quản lý thời gian hiệu quả
Không chỉ Writing, Reading cũng đòi hỏi bạn phải có khả năng quản lý thời gian hiệu quả. Bài thi IELTS Reading Academic sẽ có 3 bài đọc tương đối dài với độ khó tăng dần và bạn phải làm trong 60 phút.
Giảng viên tiếng Anh khuyên không nên chia thời gian 20 phút cho một bài đọc. Bài số 1 thường dễ nhất nên thay vì dành 20 phút, bạn chỉ nên làm trong 15 phút, trong khi đó bài đọc số 3 khó nhất sẽ dành 25 phút. Chiến lược về thời gian làm bài Reading của cô là 15 phút – 20 phút – 25 phút cho từng bài.
Không dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi
Trong 40 câu hỏi, sẽ có ít nhất một vài câu bạn phải suy nghĩ rất nhiều mới có thể tìm ra đáp án, trong khi đó cũng có những câu dễ. Theo Hằng, không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi khó để rồi không đủ giờ làm câu dễ hơn.
“Bạn cần làm 40 câu trong 60 phút, tức là chưa đến 2 phút cho một câu. Nếu đã dành 2-3 phút cho một câu nào đó mà vẫn chưa thể tìm ra đáp án, bạn hãy dừng lại, chuyển sang câu tiếp theo và quay lại làm nếu còn thời gian”, Hằng khuyên.
Đọc lướt (skimming) và đọc quét (scanning)
Nữ giảng viên cho hay skimming và scanning là hai kỹ năng quan trọng khi làm bài đọc IELTS. Với skimming, trước khi trả lời câu hỏi, bạn nên dành thời gian đọc qua toàn bộ để nắm được nội dung chính cũng như cấu trúc bài đọc. Việc này giúp bạn hình thành trong đầu chủ đề, nội dung chính, sơ lược nội dung của từng đoạn văn.
Sau khi skimming, bạn dễ dàng tìm thông tin cho mỗi câu hỏi nhanh. Bạn chỉ cần đọc lướt bài đọc, thay vì cố gắng đọc hiểu tất cả từ cũng như nội dung của bài.
Với scanning, bạn gạch chân những từ khóa trong câu hỏi và câu trả lời. Sau đó, scan (tìm) những từ/cụm từ đó trong bài đọc. Khi đã xác định được vị trí thông tin, bạn không nên chỉ đọc mỗi câu chứa từ khóa hoặc thông tin đó mà nên đọc cả những dòng xung quanh.
“Bạn cũng đừng quên tập trung vào các từ khóa như tên, năm, ngày tháng, địa điểm”, Hằng nói.
Học cách làm đối với mỗi dạng câu hỏi
Theo Hằng, không phải tất cả dạng câu hỏi trong IELTS Reading đều có cùng cách làm như nhau. Ví dụ với những dạng bài như Completion, Multiple choices, bạn nên trả lời theo thứ tự câu hỏi vì tương ứng với thứ tự thông tin trong bài đọc. Nhưng những dạng bài như Matching features, bạn tìm thông tin theo các features được cho trước thay vì tìm đáp án theo thứ tự câu hỏi.
Kỹ năng paraphrase (diễn giải)
Paraphrase cũng là kỹ năng quan trọng trong IELTS, thường được dùng nhiều nhất là synonym (từ đồng nghĩa). Với kỹ năng đọc hiểu này, bạn phải trau dồi vốn từ vựng phong phú, đồng nghĩa, trái nghĩa để có thể hiểu được các câu paraphrase trong bài đọc và câu hỏi.
Ví dụ: About 1900 có thể được viết lại là The early years of the twentieth century.
Đừng để đến cuối giờ mới điền đáp án vào tờ ghi kết quả bài thi
Bí quyết của Hằng là làm đến đâu chắc đến đấy và chuyển luôn đáp án vào tờ ghi kết quả bài thi. Cô khuyên không nên để đến cuối giờ mới vội vàng chép đáp án vào vì dễ bị rối và khó kiểm tra được chính xác các câu trả lời của mình.
Thực hành và thực hành
Đọc nhiều, luyện đề nhiều giúp Hằng tăng khả năng đọc hiểu và khả năng tư duy, suy nghĩ bằng tiếng anh. Cách này cũng giúp cô học tốt Speaking và Writing.
Nếu có vốn từ vựng chưa nhiều, Hằng gợi ý không nên đọc những bài quá hàn lâm mà bắt đầu từ những thứ mình thích và dễ hiểu, dần dần mới tăng cấp độ.
Khi còn cách kỳ thi thật khoảng 1-2 tháng, bạn chuyển sang đọc các bài báo, tạp chí, nghiên cứu vì đây là nguồn các bài đọc Reading IELTS và duy trì thói quen đọc này hàng ngày.
Khi làm đề, bạn nên xem lại cả câu đúng lẫn câu sai (câu sai phải xem kỹ hơn vì sao mình không chọn được đáp án đúng), tra những từ liên quan đến đáp án nếu chưa rõ nghĩa rồi ghi lại vào sổ từ.
Với những câu sai do chưa phân tích ngữ pháp đúng, bạn cũng phải xem lại kỹ rồi ghi vào. Không nhất thiết phải tra tất cả từ mới trong bài đọc vì có những từ không bao giờ gặp lại, chỉ tra những từ liên quan đến đáp án và nhìn quen nhưng không nhớ nghĩa.
Cách 1-2 tuần, bạn có thể làm lại bài mình từng làm xem có tiến bộ lên không. Nếu số câu trả lời đúng tăng lên chứng tỏ bạn đang áp dụng đúng phương pháp và sẽ càng có thêm động lực chiến đấu với IELTS.
Khi luyện thi IELTS, bạn không thể bỏ qua bộ Cambridge IELTS kinh điển 12 cuốn, IELTS Reading của Sam Mc.Carter, IELTS Trainer, IELTS Reading Actual Test, The Cambridge Official Guide to IELTS….
Bình Minh
[ad_2]