Ba ngày “tạm lắng” với 3 quyển sách của 3 tác giả chẳng liên quan gì đến nhau.

  • Một nàng Han Kang nội tâm, sâu sắc và nhạy cảm với những Tôi, Cô ấy và Tất cả màu trắng. Từng câu chữ sáng, đẹp, thơ và giàu cảm xúc; cho ta cảm giác nhẹ nhàng, sâu lắng và mong manh. Cái suy nghĩ để “cô ấy” sống bằng thân xác của mình cứ bám mãi lấy tôi sau khi đã xếp Trắng về lại kệ sách.
  • Một nhà văn người Brazil với cái tên dài ngoằng khó nhớ và cho dù đọc cả chục lần thì cũng khó mà viết đúng tên ông (tôi phải vừa nhìn vừa gõ từng chữ: Jose Mauro de Vasconcelos) với “Sưởi ấm mặt trời”. Ông cho tôi gặp và lớn lên cùng cậu bé Zeze, được gặp chú ếch xanh biết nói tiếng người, gặp Tarzan, gặp những con người tử tế. Đọc Sưởi ấm mặt trời tôi còn được nhớ về cây cam ngọt biết nói và chú chim nhỏ biết hát từng sống trong lồng ngực của Zeze. Mơ mộng, nghịch ngợm, khổ đau và hạnh phúc cùng Zeze từ khi còn là cậu bé 5 tuổi đến khi trưởng thành.
  • Một ông tiên với “Một đời như kẻ tìm đường”, một con người tài ba và nhiệt huyết và trên hết là một trái tim bao dung, đôn hậu, đã cho tôi được tháp tùng ông suốt 60 năm trải nghiệm. Với những lời gan ruột của một người từng trải từ khi là một thanh niên 17 tuổi đến một giáo sư đáng kính ở tuổi 78 là những bài học vô giá. Trong tác phẩm ông hay nhắc đến “ông tiên” của riêng ông còn tôi coi ông như ông tiên của riêng mình.

“Khi nhìn bằng đôi mắt của chị, em nhìn theo cách khác. Khi bước đi bằng cơ thể của chị, em bước đi theo cách khác. Em muốn cho chị thấy những thứ thanh sạch – những thứ chỉ dành riêng cho chị, trước khi mọi tàn khốc, buồn đau, tuyệt vọng, thống khổ….”

“Chú ếch xanh lẻ loi trong dòng nước
Hò vọng khắc khoải giữa đêm thu
Khi tiếng kêu vang như nỗi nhớ
Là lòng chú đang dông bão mịt mù”

“Xã hội sẽ tặng lại bạn gấp mười lần những gì bạn tặng cho xã hội. Và nếu bạn tặng cả con người liêm khiết và năng động của mình thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu xã hội sẽ luôn luôn dành ưu tiên cho bạn.”