Dân ta phải biết sử ta
Cái gì chưa biết thì tra google.
Vậy mà sáng nay ngồi cả buổi với anh Google để tìm hiểu cách thức treo cờ rũ mà chẳng thấy trang nào hướng dẫn. May mắn tìm được chuyên đề của ông Hoàng Trọng Nhu – nguyên vụ trưởng vụ Lễ tân – Bộ Ngoại giao nói về thứ bậc ngoại giao trong đó có nói về cách treo Quốc kỳ, dainganxanh trích lọc ra một số điều cần biết giúp các bạn đọc nhanh để nắm những điều cần biết.
Nguyên tắc cần nhớ
– Nơi treo cờ là nơi trang trọng, đảm bảo thẩm mỹ và mỹ quan. Cột cờ phải là độc lập, không treo cờ lên các cột đang dùng cho mục đích khác như cột điện, cột ăng-ten,…
– Cờ không được bạc màu, hoen ố, cờ cũ phải huỷ đúng cách chứ không được vứt bỏ hoặc dùng vào mục đích khác.
– Cờ cắm trong nhà, cán cờ dài ngắn tuỳ theo không gian của phòng, tuy nhiên không để cờ chạm đất.
– Nếu treo quốc kỳ hai nước, tuỳ theo quy định lễ tân ngoại giao của mỗi nước, phần lớn các nước quy định, nếu đứng từ ngoài nhìn vào cờ nước chủ nhà bên phía tay phải, cờ nước khách bên phía trái. Đây cũng là quy định của lễ tân ngoại giao Việt Nam.

– Trường hợp treo cờ nhiều nước, các cờ phải cùng một cỡ và treo cao ngang nhau, không được treo cờ các nước trên cùng một cột cờ, cờ nọ trên cờ kia. Treo cờ nhiều nước, chỗ trang trọng được tính từ bên phải trở đi, đứng từ phía trong nhìn ra, hay từ giữa trở ra hai bên. Thứ tự theo vần chữ cái tên các nước (vần chữ cái La- tinh hay vần chữ cái tiếng nước tổ chức lễ tiết có treo cờ). [theo Hoàng Trọng Nhu – nguyên vụ trưởng vụ Lễ tân – BNG]
Cách treo Cờ rũ:
– Tuỳ theo của mỗi nước, nhiều nước quy định quốc tang cờ tang treo lưng lửng giữa giữa chiều cao của cột cờ. Trong trường hợp này, cờ được kéo cao lên đến đỉnh, sau đó từ từ hạ cờ xuống lưng chừng cột cờ. Có nước còn quy định, trong trường hợp có quốc tang, phía trên quốc kỳ có một dải băng đen.
Theo quy định của Việt Nam, khi có quốc tang, cờ treo 2/3 cột cờ và có kèm theo một dải băng đen phía trên.
– Trường hợp một dãy cờ, có thể là cờ nhiều quốc gia hoặc cờ quốc gia treo cùng cờ của chủ thể địa phương hay của tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế. Nếu cờ của một quốc gia treo theo quy định quốc tang thì cờ quốc gia khác treo cùng cũng được treo tương tự.
– Trong trường hợp nước ta có quốc tang và treo cờ rủ, trụ sở cơ quan đại diện nước ngoài, cờ quốc gia hoặc cờ Tổ chức Quốc tế cử cơ quan đại diện không nhất thiết phải treo rũ nhưng theo phép lịch sự cho phép cơ quan đại diện của mình treo cờ rũ.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bộ Ngoại giao Việt Nam (2009), Tài liệu bồi dưỡng Lễ tân,
 
Bổ sung:
Điều 10, Nghị định số 105/2012/NĐ-CP (17/12/2012) quy định: cờ rủ, có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay)