Sáng kiến kinh nghiệm năm 2011
Ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập không chỉ được hiểu theo nghĩa đơn giản là dùng máy tính vào các công việc như biên soạn rồi trình chiếu bài giảng điện tử ở trên lớp. Ứng dụng CNTT được hiểu là một giải pháp trong mọi hoạt động liên quan đến đào tạo; liên quan đến công việc của người làm công tác giáo dục; liên quan đến hoạt động nghiên cứu, soạn giảng; lưu trữ, tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên học tâp… Với sự hỗ trợ của CNTT-TT hoạt động dạy và học ngày nay được diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Ở nhà, ngay tại góc học tập của mình học sinh vẫn có thể nghe thầy cô giảng, vẫn được giao bài và được hướng dẫn làm bài tập, vẫn có thể nộp bài và trình bày ý kiến của mình….
Để làm được điều này thì ngoài những kỹ năng soạn giảng thông thường ra người giáo viên cần có kỹ năng xây dựng bài giảng điện tử và khai thác những dịch vụ truyền thông được cung cấp trên Internet như dịch vụ lưu trữ, chia sẻ, email, web, blog… để ứng dụng vào công việc giảng dạy của mình. Kỹ năng xây dựng bài giảng điện tử e-Learning là một trong những kỹ năng cần thiết cho mỗi giáo viên ngày nay. Điều này càng được khẳng định khi từ 2010, Cục CNTT bộ GD-ĐT đã tổ chức cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử e-learning” trên toàn quốc.
Các vấn đề liên quan đến lưu trữ và chia sẻ trực tuyến … đã được trình bày chi tiết ở SKKN năm 2010; Việc ứng dụng e-Learning trong trường phổ thông một cách tổng quát đã được trình bày trong SKKN năm 2009. Ở SKKN năm nay tôi xin được giới thiệu với thầy cô phần còn lại và là mấu chốt của E-Learning – đó là việc “Xây dựng bài giảng điện tử theo chuẩn e-Learning”.
Mục đích của đề tài:
– Làm rõ các khái niệm dễ nhầm lẫn như: giáo án điện tử, bài giảng điện tử, bản trình chiếu, bài giảng điện tử e-Learning;
– Khẳng định sự cần thiết của Bài giảng điện tử e-Learning trong dạy-học hiện đại;
– Giới thiệu, nhận định một số phần mềm hỗ trợ xây dựng Bài giảng điện tử eLearning;
– Hướng dẫn quy trình và kỹ thuật xây dựng bài giảng điện tử e-Learning.
Đề tài này được viết trên tinh thần chia sẻ những kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập tại trường THPT chuyên Quang Trung. Trong đề tài có tham khảo một số tài liệu của đồng nghiệp, của cục CNTT bộ GD&ĐT và tài liệu từ Internet – mong rằng có thể góp một phần công sức nhỏ bé vào việc đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy – học tập của thầy và trò các trường phổ thông tỉnh nhà.