Bài viết của Quý Hiên đăng trên Thanh Niên ngày 19/7/2021 với tiêu đề “GS Ngô Bảo Châu: Tranh biện bảo vệ cái đúng là động lực phát triển khoa học”
Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam mạnh lên hay yếu đi phụ thuộc vào tranh biện nội bộ trong cộng đồng khoa học. Mệnh lệnh hành chính cứng nhắc có thể khiến chuẩn mực bị bẻ cong.
Xung quanh quy chế đào tạo tiến sĩ (TS) đang gây tranh cãi thời gian qua, Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Về sơ bộ, so với quy chế cũ, tôi thấy quy chế mới đạt được một số tiến bộ, nổi bật là việc trao quyền tự chủ cho các trường ĐH trong hoạt động tổ chức đào tạo TS. Tuy nhiên, tôi không cho rằng nhờ có quy chế này mà chất lượng đào tạo TS của chúng ta tốt lên hay tồi đi.
Ở mọi quốc gia, để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chỉ có một cách duy nhất, đó là nhờ vào sự tranh biện nội bộ của các hội đồng khoa học. Tranh biện thẳng thắn, không nhân nhượng, tranh biện để đạt tới mục tiêu lẽ phải thuộc về cái mới, cái đúng thì khoa học mới phát triển. Một quy chế hành chính không thể là động lực để phát triển nền khoa học”.
Trường ĐH chứ không phải bộ quyết định ai xứng đáng được trao bằng TS
Nhưng cũng cần phải có những chính sách tốt của nhà nước thì khoa học mới phát triển được, mà những chính sách đó được thể hiện trước hết thông qua các văn bản hành chính, ví dụ thông tư ban hành quy chế đào tạo TS vừa qua, chẳng hạn…
Nếu từ góc độ đóng góp của chính sách, tôi thấy quy chế mới có tiến bộ. Một nguyên lý để phát triển nền khoa học cần phải tạo ra tự chủ trong khu vực hàn lâm. Trường ĐH phải là nơi có thẩm quyền quyết định ai mới xứng đáng được trao bằng TS, chứ không phải Bộ GD-ĐT. Cụ thể hơn, chính các thầy trong trường ĐH, những người hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS), và các thầy tham gia hội đồng, là những người có đủ quyền, đủ tư cách quyết định học trò của mình có xứng đáng là TS hay không.
Quy chế mới trao cho các nhà khoa học quyền tự chủ, do đó không đi quá sâu vào các quy định mang tính chuyên môn mà chỉ dừng lại ở một số nguyên tắc chung, có tính nền tảng, ví dụ như một GS không được hướng dẫn cùng lúc quá nhiều NCS… Một quy chế áp dụng trên phạm vi quốc gia mà đi quá sâu vào các tiểu tiết, kiểu như yêu cầu NCS phải có bao nhiêu bài báo mới được bảo vệ…, có lẽ không nước nào có những quy định kiểu đó. Tôi nghĩ luận án tốt hay không, ông bộ trưởng không biết được, ông hiệu trưởng cũng không biết, chỉ có ông GS hướng dẫn hoặc những GS cùng ngành mới biết. Cho nên, việc đánh giá phải là những người trực tiếp làm.
Luận án tốt hay không tốt, ông bộ trưởng không biết được, ông hiệu trưởng cũng không biết, chỉ có ông giáo sư hướng dẫn hoặc những giáo sư cùng ngành mới biết. Cho nên, việc đánh giá phải là những người trực tiếp làm
GS Ngô Bảo Châu
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng nếu nhà nước không ban hành các quy định tối thiểu ở mức độ nghiêm ngặt hơn thì sẽ bung ra hàng loạt chương trình đào tạo TS kém chất lượng, GS nghĩ sao?
Để kiểm soát được chất lượng đào tạo TS, cái cần là phải công khai minh bạch, là việc trường ĐH và hội đồng thực hiện trách nhiệm giải trình. Phải công khai toàn văn luận án cùng với các nhận xét – phản biện của hội đồng, phải nêu đầy đủ các nhận xét kèm họ tên từng thành viên hội đồng để mọi người đều có thể xem. Với việc công khai đó, nếu luận án kém mà vẫn được thông qua thì không chỉ hổ thẹn tác giả luận án mà còn hổ thẹn cả người hướng dẫn, hổ thẹn cả hội đồng. Với sự công khai, với tinh thần tranh biện thẳng thắn, không né tránh, sẽ không ai đánh đổi uy tín của mình để thông qua một luận án không xứng đáng. Văn hóa tranh biện thẳng thắn để bảo vệ cái đúng, trong khoa học, là động lực để phát triển nền khoa học, chứ không phải là một văn bản hành chính do cơ quan quản lý nhà nước ban hành.
Việc tạo hành lang để đánh giá, phê bình được khách quan, được mở rộng hơn là trách nhiệm của chính các nhà khoa học. Ở một số nơi, chúng ta có vinh danh các luận án tốt, các công trình nghiên cứu tốt, nhưng sao không thử đánh giá luận án nào dở nhất, công trình nào kém nhất?
Chúng ta cũng có thể tìm những cách nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như hội đồng khoa học của trường có thể yêu cầu các GS đứng lên trình bày lại luận án của NCS của mình, nếu luận án đó dở thì vị GS đó hẳn cũng sẽ rất mệt mỏi, lần sau sẽ không dám làm ẩu.
Tóm lại, tôi cho rằng việc phê bình nội bộ trong hoạt động nghiên cứu khoa học với mục tiêu duy nhất là chất lượng khoa học, là động lực cho sự tiến bộ. Luôn luôn thế. Từ xưa đến nay là như thế.
Không thể ép bằng biện pháp hành chính
Nhưng có thể vẫn cần có công cụ của nhà nước, là những quy định về các mức sàn không quá thấp để không trường nào được phép đào tạo kém?
Việc phải dựa vào bài báo đăng ở tạp chí nước ngoài để đánh giá là do chúng ta không có năng lực chuyên môn để đánh giá lẫn nhau. Vậy chúng ta phải cố gắng để có năng lực đó, chứ đừng trông chờ vào các con số cứng nhắc do nhà nước đưa ra. Cá nhân tôi rất phản đối việc đo đếm máy móc… Khi bảo vệ luận án TS, tôi chẳng có bài báo nào. Các học trò của tôi cũng chẳng ai có bài báo, nhưng họ vẫn xin được việc bình thường. Đúng là mỗi hoàn cảnh một khác, nhưng rất ít nơi người ta coi bài báo là căn cứ để đảm bảo chất lượng. Ý kiến đòi hỏi trong cái chuẩn chung phải có tối thiểu bao nhiêu bài báo sẽ trở nên phiến diện ở chỗ, có những ngành người ta khó có công bố quốc tế mà bắt họ có công bố quốc tế, thì họ sẽ làm mọi cách gian dối để có. Phải xây dựng nền móng tốt. Nền móng đó chính là việc tranh biện thẳng thắn trong khoa học, không cho phép mình nhân nhượng với cái yếu, cái kém chất lượng.
Các ý kiến góp ý là đều muốn cho khoa học Việt Nam tốt hơn. Nhưng không thể ép bằng biện pháp hành chính… Dùng biện pháp hành chính cứng nhắc thì cái duy nhất chúng ta thu được là chuẩn mực bị bẻ cong.
Với các mệnh lệnh hành chính, người ta có biện pháp đối phó hết, hậu quả là nhận cái dở hơn. Ví dụ nếu một cơ quan nào đó có chính sách nhân sự có bằng TS, thạc sĩ sẽ dễ được bổ nhiệm, thì cái họ nhận được là một loạt TS rởm, thạc sĩ rởm. Bao giờ, ở đâu cũng sẽ là như thế, nếu mình đưa ra một quy chế cứng, không hợp lý thì sẽ kéo theo hệ lụy, làm cho cái chuẩn mực đang ổn thì bị bẻ cong đi. Muốn cộng đồng lớn mạnh, tiến bộ thì phải làm cách khác, chứ không thể mong đợi ở một biện pháp hành chính cứng nhắc.
Cần thay đổi quan niệm nghiên cứu sinh đi học là đóng học phí
Theo GS Ngô Bảo Châu, trong bối cảnh hiện nay, việc quy chế mới yêu cầu đào tạo TS phải toàn thời gian, là một yêu cầu tốt cho việc tăng chất lượng đào tạo. Điều này khiến những người thực sự cần học mới đầu tư thời gian đi học, loại trừ bớt những người học chỉ để lấy bằng. Nhưng quy định này cần phải đi kèm chính sách đảm bảo thu nhập cho người đi học TS. Chúng ta đang quan niệm NCS giống sinh viên, đi học phải đóng học phí. Cần phải thay đổi quan niệm này. Cần phải thấy NCS là những người bắt đầu đi làm với vị trí tập sự, học làm nghiên cứu khoa học. Vì thế, họ cần có học bổng. Khi phải học toàn thời gian, không cấp học bổng thì họ lấy tiền đâu ra để chi trả các phí tổn sinh hoạt?
Giải quyết câu chuyện này chính là ngăn chặn nạn bùng phát đào tạo TS, ngăn chặn chuyện dễ dãi tuyển sinh hàng trăm, hàng nghìn TS. Nếu để đào tạo TS phải có ngân sách để cấp cho NCS thì chắc chắn các cơ sở đào tạo phải cân nhắc về số lượng đào tạo, về việc tuyển chọn người xứng đáng. Điểm tốt của ngân sách là nó hữu hạn, nên buộc phải “cân đo đong đếm” trong tuyển sinh. Khi đó, trường tốt thường có ngân sách nhiều, trường tồi thì ngân sách ít, thành ra đào tạo TS thuộc về lợi thế của trường tốt.