Tác giả Nhược Lạc viết:

Tôi tạm dùng từ “viết sáng tạo” để phân biệt với các mục đích viết lách khác, chẳng hạn như viết nhật ký, viết thư giãn, viết xoa dịu…

Viết sáng tạo có thể hiểu đơn giản là bạn viết để tạo ra tác phẩm. Nó khác cách viết dành riêng cho bản thân ở chỗ, ngay từ khi đặt bút viết bạn đã muốn tạo ra một tác phẩm độc lập – thứ có thể chia sẻ tới người đọc một cách hoàn toàn tách biệt với bạn.

Đó có thể là một bài thơ, một bài tản văn, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết. Đó là thứ mà sau khi viết xong, chúng tách rời khỏi bạn, tự chúng sống một đời sống khác. Mọi đánh giá, từ đó về sau, đều thuộc quyền của độc giả. Tôi gọi đó là viết sáng tạo.

Trong quá trình hoạt động trong ngành quảng cáo, dịch vụ nhà hàng, viết bài cộng tác với tạp chí, viết blog, ra sách….. tôi nhận ra bản thân có một số kinh nghiệm nhất định, đúc rút trong quá trình viết lách. Nhân dịp có vài người em, người bạn inbox hỏi về vấn đề này, tôi muốn viết một bài chia sẻ công khai, vì có thể sẽ có nhiều hơn một người viết mới đang quan tâm, trăn trở về việc: làm sao để sáng tác tốt hơn.

Các gợi ý của tôi gồm có:

[1] Viết tự do mỗi ngày (Free-writing)

Việc viết tự do có hai mục đích cơ bản. Một, là giải tỏa căng thẳng, tháo gỡ các khúc mắc về tâm lý. Tôi nghĩ đây là điều ai cũng thường gặp trong đời sống, và để cho câu chữ viết ra được sáng, đẹp – tôi nghĩ rằng chúng ta nên tự giải quyết vấn đề của mình trước. Hãy viết thoải mái một lát, trong khoảng 500 chữ, để có một tâm thái rỗng rang.

Hai, là khơi nguồn. Khơi nguồn xúc cảm, tâm tư và cả nguồn sáng tạo. Có những thứ vốn luôn nằm bên trong mình, nhưng mình không thể hoặc rất khó để nhận ra. Việc viết liên tục không nghỉ có thể vô tình khơi ra. Sau khi viết, nếu bạn tìm ra gì đó, hãy nhặt thật cẩn thận những bụi vàng đó – ghi chép ngắn gọn lại trong sổ tay/mục note của bạn.

[2] Học cách nhìn và nghe ở mức độ sâu hơn.

Tôi biết, chúng ta vẫn luôn nhìn và nghe đều đặn mỗi ngày. Nhưng điểm khác biệt giữa một người làm sáng tạo và những người khác đó là: họ luôn tìm thấy những điểm mà người khác bỏ qua.

Cái cây cách nhà hai ngã tư. Bầu trời lúc một rưỡi chiều. Hướng gió đổi lúc ba giờ. Vòi nước bị rò rỉ. Đôi tất của người giao hàng. Hay người đó không đi tất. Tiếng khóc của đứa trẻ hàng xóm mỗi bảy giờ tối, thứ sáu hàng tuần không khóc.

Chén trà mới pha. Cũng chén trà đó, pha vào hôm qua. Và hôm nay.

Ý tôi là, nhìn mọi thứ. Kỹ lưỡng hơn. Không cần phân tích gì cả mà chỉ nhìn thôi. Có thể ghi lại những điều mà bạn thấy đặc biệt ấn tượng. Còn không, hãy chỉ nhìn thôi. Nhìn mỗi ngày.

Và nghe. Lắng nghe nhịp điệu. Nghe nhạc. Nhạc không lời. Nhạc có lời. Nhạc giao hưởng. Nhạc trẻ. Vọng cổ teen. Tài Smile. Sơn Tùng MTP. Mọi thứ.

Đọc văn của người khác thành tiếng. Đọc văn của chính bạn. Chú ý nhịp điệu khi đọc thành tiếng. Vì sao, cùng là một câu văn mang ý như vậy, của người này bạn đọc thấy êm miệng, của người khác nghe lục cục. Nhớ cảm giác êm ái đó, cảm giác lục cục đó. Nhớ những nhịp điệu đó.

[3] Luôn ghi chép lại thật nhanh

Tôi thường dùng Note trong điện thoại cho các ghi chép nhanh, và Notion trên laptop. Tôi cũng dùng sổ tay cho các trường hợp ghi chép cần nhiều hơn chữ nghĩa đơn thuần.

Ghi trên máy giúp tốc độ viết ra nhanh hơn, lưu trữ dễ dàng hơn. Ghi trên giấy giúp đầu óc mở mang hơn, dễ liên kết nhiều dữ kiện hơn.

Cả hai cách ghi chép trên đều cần thiết.

[4] Tự ra đề bài cho mình và hoàn thành nó MỖI NGÀY

Dù là thơ, văn, truyện ngắn, truyện dài… tất cả với tôi đều là một dạng câu trả lời cho một câu hỏi, một bài tập có từ trước đó. Hãy bắt đầu với việc giao đề tài cho mình, và làm nó mỗi ngày.

Mỗi ngày một bài thơ. Mỗi ngày một đoạn viết 500 chữ. Mỗi ngày một chương trong cuốn truyện dài mà bạn ấp ủ. Mỗi ngày.

[5] Rao lên cho làng nước biết (Show your work!)

Việc làm đủ bài tập mỗi ngày thực sự chẳng dễ dàng gì, nhất là khi bạn tự ra đề, tự làm và không có ai kiểm soát. Đừng làm vậy. Hãy khoe nó ra!

Tạo một blog cá nhân, một website, một fanpage trên Facebook….bất kỳ nền tảng nào giúp bạn chia sẻ những gì bạn biết. Từng lượt xem, lượt thích sẽ là một thứ áp lực nhất định cho bạn, nhưng cần có. Và cũng là cả nguồn động viên cho bạn.

Nếu bạn thích tác phẩm, bài viết của ai đó, cũng tương tự vậy, đừng im lặng. Hãy rao lên cho làng nước biết!

[6] Đặt mục tiêu lớn hơn

Có thể, mỗi người sẽ có những cách học khác nhau, cách hoàn thiện bản thân khác nhau. Nhưng với tôi, việc đặt ra các mục tiêu nhất định, giúp mình tiến xa hơn.

Có thể, không phải lúc nào ta cũng đạt được các cột mốc mà mình mong đợi. Song, ta sẽ luôn tiến xa hơn thời điểm mà mình đã đứng trước đó 6 tháng, 1 năm, 2 năm…

Thử hình dung về những mục tiêu lớn hơn. Một dự án cá nhân, một triển lãm, một sự kiện làm độc lập hoặc kết hợp với bạn bè nghệ sĩ, xuất bản một cuốn sách, xuất bản cuốn thứ hai…

Đặt mục tiêu, tức là tự cho mình một mốc thời gian. Ví dụ, một năm tới. Có thể viết cho chính mình một lá thư gửi vào futureme.org để xem một năm sau đó, mình đã làm được chưa. Nếu làm được rồi, quá tuyệt. Nếu chưa làm được, thật tuyệt, giờ là lúc ta bắt đầu làm.

Cuối cùng,

hãy thật sự hoàn thành từng tác phẩm một. Từng bài thơ. Từng truyện ngắn. Từng truyện dài. Từng cuốn trường thiên tiểu thuyết mà ta mơ. Hãy hoàn thành nó trước khi đánh giá nó.

Tin tôi đi, người viết nào cũng từng thấy những gì mình viết ra dở tệ và không có giá trị gì. Nhưng nếu ai cũng vì thế mà dừng lại, chúng ta sẽ chẳng có tác phẩm nào để đọc, như bây giờ.

Hoàn thiện hơn hoàn hảo. Hãy hoàn thiện đã, rồi để cho tác phẩm được sống đời độc lập của nó. Và người xem sẽ đánh giá giùm bạn. Việc của bạn với tác phẩm đó đã hoàn thành kể từ lúc bạn đặt dấu chấm cuối cùng.

Giờ, là lúc bạn đi tiếp, cùng một tác phẩm khác.

Đi nào.