Moodle là hệ thống quản lý các khóa học trực tuyến mã nguồn mở được phát triển trên ngôn ngữ lập trình PHP và hệ quản trị CSDL My SQL. Hiện nay Moodle được phát triển tương thích với hầu hết các hệ CSDL như SQLite, MS SQL, PostgreSQL, và cả ông lớn Oracle.
Theo thống kê gần đây nhất (28/12/2012) hiện trên thế giới có 72.094 site moodle đang hoạt động trên 223 quốc gia. Tại Việt Nam hiện nay có 406 tổ chức, cá nhân sử dụng Moodle (chưa kể những website không đăng ký sử dụng với nhà cung cấp nguồn mở Moodle) trong đó phần lớn là các trường đại học và công ty có nhu cầu training thường xuyên cho nhân viên.
Được ra đời từ năm 1999 nhưng Moodle đã nhanh chóng chiếm vị trí cao nhất về số lượng người dùng vì nhiều ưu điểm như: là phần mềm nguồn mở miễn phí, có cộng đồng phát triển đông đảo và không ngừng cải tiến, tính năng phong phú, đa dạng; hỗ trợ nhiều ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt (tuy chưa hoàn chỉnh). Chính vì vậy, người ta thường nghĩ ngay đến moodle khi có ý định xây dựng một hệ thống E-Learning cho trường học hay tổ chức của mình.
Với moodle chúng ta có thể xây dựng một website học tập trực tuyến chỉ trong vòng vài phút cài đặt. Tuy nhiên, việc ứng dụng moodle vào trường học tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Theo tác giả có thể do một số vấn đề sau:
– Chúng ta chưa công nhận việc học tập qua mạng theo hình thức e-learning là một loại hình đào tạo chính thức, nghĩa là chưa có chuyện ngồi ở nhà học mà có thể tốt nghiệp một bậc học nào đó. Trên thực tế một số trường ĐH VN đã có đào tạo hệ “Từ xa qua mạng” nhưng sinh viên theo học vẫn phải đến lớp và học trực tiếp với giảng viên 30% số tiết quy định, thời gian còn lại là tự học, tự nghiên cứu nhưng việc ứng dụng e-learning cho loại hình đào tạo này gần như không đáng kể.
– Nguồn tài nguyên học liệu cho việc triển khai e-learning còn nghèo nàn. Phần lớn giáo viên từ trước đến nay chưa có kỹ năng xây dựng bài học theo chuẩn e-learning. Vài năm gần đây, việc ứng dụng CNTT trong dạy-học được các trường trên cả nước tích cực triển khai nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc soạn bài giảng để giảng dạy trực tiếp (chủ yếu dùng powerpoint soạn bài trình chiếu) chứ chưa phải là bài giảng điện tử theo chuẩn e-learning.
– Người học chưa có kỹ năng, chưa được đào tạo về phương pháp e-learning. Nhiều học sinh, thậm chí sinh viên đại học còn rất khó khăn trong việc đăng ký hay đăng nhập vào tham gia một khóa học trên website e-learning. Học sinh, sinh viên chưa có biết cách tự học, tự nghiên cứu.
Ngoài những nguyên nhân trên còn có thể kể thêm một số nguyên nhân khác như đòi hỏi kỹ thuật hạ tầng cũng như quản trị của moodle là khá cao, kinh phí triển khai và duy trì không cho phép…
Vậy ứng dụng moodle trong trường học ở ta có khả thi không? Dĩ nhiên là có vì đã nhiều trường ĐH triển khai và vận hành hiệu quả hệ thống moodle phục vụ việc giảng dạy và học tập, nhiều công ty cũng sử dụng moodle như một hệ thống chính để huấn luyện, đào tạo nhân viên của mình. Tuy nhiên, với nhà trường phổ thông thì đến nay hầu như chưa có trường nào chính thức đưa moodle vào hoạt động dạy.
Cùng những khó khăn chung nêu trên thì khó khăn riêng đối với trường phổ thông trong việc triển khai hệ thống moodle là không có cán bộ chuyên trách CNTT và việc tiếp cận của học sinh với hệ thống e-learning là không thường xuyên (vì lý do nhà không có internet hoặc không có thời gian để tự học).
Tuy nhiên, nếu thấy khó mà không làm thì sẽ không bao giờ thực hiện được trong khi e-learning là xu thế của giáo dục hiện đại, là phương thức hữu hiệu phục vụ việc dạy và học mà đặc biệt phục “xã hội học tập” và “học tập suốt đời”. Vì vậy việc tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên, học sinh về e-learning là những động thái tích cực và hữu ích, là những bước đi đầu tiên nhằm tiến tới triển khai e-learning vào hệ thống giáo dục trong tương lai. Tác giả cũng xin đề xuất một vài khuyến nghị cho việc triển khai e-learning đối với nhà trường phổ thông như sau:
– Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho giáo viên và học sinh về phương thức dạy và học e-learning. Tập huấn cho giáo viên về công tác soạn giảng và sử dụng phần mềm soạn giảng.
– Tổ chức các cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử và công bố rộng rãi sản phẩm đạt giải cho mọi đối tượng tiếp cận dùng thử và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
– Những năm đầu, khi các trường chưa có cán bộ chuyên trách, chưa đáp ứng được cơ sở kỹ thuật & kinh phí triển khai thì chỉ cần đặt một server đủ mạnh tại sở GD-ĐT. Tại đây có thể xây dựng hệ thống moodle để cấp tài khoản sử dụng cho giáo viên và học sinh trong tỉnh hoặc cấp hosting cho các trường xây dựng trang riêng. Như vậy chỉ cần quản trị một server, vừa đỡ tốn kém, vừa tiết kiệm thời gian.
– Và dĩ nhiên về lâu dài thì cần có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn như đã nêu trong bài viết nhưng đến bao giờ và ai làm thì … chưa biết!