Quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa giai đoạn 1975-1986. Thành tựu và bài học kinh nghiệm.
1. Hoàn cảnh lịch sử
Tình hình quốc tế
Vào những năm cuối thập kỷ 80, tình hình quốc tế đã và đang diễn ra những biến đổi to lớn, hết sức bất lợi cho cách mạng thế giới cũng như cách mạng Việt Nam: các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, dẫn đến tan rã. Mặt khác, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ thế giới phát triển mạnh, đang tạo nên những thay đổi lớn lao trong đời sống kinh tế – xã hội thế giới, đồng thời tạo nên những thách thức mới đối với các nước đang phát triển trên thế giới trong quá trình hội nhập. Các nước tư bản phát triển, đứng đầu là Mỹ, sau chiến tranh xâm lược Việt Nam cũng có những thay đổi lớn các chính sách đối ngoại, đặc biệt là sự đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, đế quốc Mỹ và phản động quốc tế câu kết bao vây, cô lập cách mạng Việt Nam.
Tình hình trong nước
Sau chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, cả nước hòa bình, độc lập và thống nhất, khí thế cách mạng của một dân tộc vừa giành được thắng lợi vĩ đại, thiết tha với độc lập và chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam phải đối đầu với những khó khăn to lớn: chiến tranh xâm lược của Pôn Pốt và Trung Quốc từ hai đầu biên giới phía Nam và phía Bắc, hậu quả chiến tranh để lại, cấm vận của Mỹ và các nước,…
2. Đường lối và quá trình lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước của Đảng
a. Thống nhất đất nước về mặt Nhà nước
Ngày 29/9/1975, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III ra Nghị quyết Về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó, xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội[1]. Miền Bắc về cơ bản thực hiện theo quan điểm, đường lối đã được xác định, đó là: tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, Miên Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24, từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị của hai đoàn đại biểu hiện Bắc và miền Nam họp tại Sài Gòn. Hội nghị ra Thông cáo khẳng định nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một nước nhà cần được sớm thống nhất về mặt Nhà nước. Hội nghị nhất trí tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào nửa đầu năm 1976, theo nguyên tắc dân chủ, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, Ngày 25/4/1976, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất diễn ra và thành công tốt đẹp, với tỷ lệ cử tri Cả nước đi bỏ phiếu đạt 98,77%. Tiếp đó, từ ngày 24/6 đến ngày 03/7/1976, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI họp tại Hà Nội, quyết định các vấn đề quan trọng gồm: đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; quốc kỳ nền đỏ sao vàng quốc ca là bài Tiến quân ca, thủ đô là Hà Nội; quyết định thành phố Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh và thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Quốc hội bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước, đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 6/1976, theo chủ trương của Trung ương Đảng, các tổ chức quần chúng: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn tiến hành hội nghị hợp nhất, thống nhất cơ quan lãnh đạo chung trên cả nước.
Việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước được hoàn thành, tạo nên sự thống nhất, ổn định về chính trị – xã hội. Đây là thuận lợi cơ bản nhất để Đảng thống nhất sự lãnh đạo, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
b. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976) đề ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng diễn ra từ ngày 14 đến 20/12/1976. Đại hội tổng kết quá trình 20 năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đại hội đã đúc kết những bài học lịch sử có giá trị to lớn, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980). Đại hội nêu lên ba đặc điểm của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới:
Một là, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Hai là, đất nước đã hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội có nhiều thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề, lâu dài trên nhiều mặt.
Ba là, Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế có nhiều thuận lợi. Song, bên cạnh đó, tình hình thế giới cũng có nhiều khó khăn, đó là cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng trên thế giới đang diễn ra quyết liệt và phức tạp, hàng ngày tác động đến Việt Nam.
Xuất phát từ ba đặc điểm cơ bản đó, Báo cáo Chính trị đã xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học – kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”[2].
Trên cơ sở đường lối chung, đường lối xây dựng kinh tế trong giai đoạn cách mạng mới được Đảng xác định với nội dung cơ bản là: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; vừa xây dựng kinh tế trung ương, vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất, kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với việc hoàn thiện quan hệ sản xuất mới”[3].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm (1976-1980) với hai mục tiêu cơ bản: xây dựng một bước cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp trên phạm vi cả nước và cải thiện một bước đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại hội chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, phấn đấu đến năm 1980, hoàn thành cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ở miền Bắc, trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp xã hội chủ nghĩa, tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, gồm:
Thứ nhất, cải tạo xã hội chủ nghĩa các thành phần kinh tế ở miền Nam: Nhà nước tiến hành tiếp quản các cơ sở vật chất kỹ thuật do chế độ cũ để lại, quốc hữu hóa các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tư bản nước ngoài; quản lý thống nhất về kinh tế, xóa bỏ ngân hàng từ nhân, nắm độc quyền phát hành tiền tệ, quốc hữu hóa các ngành vận tải đường sắt, đường biển và đường hàng không, thống nhất quản lý xuất nhập khẩu, quản lý lương thực thực phẩm và nhiều lĩnh vực kinh tế trọng yếu.
Tháng 3/1977, Bộ Chính trị quyết định trong 2 năm 1977-1978 hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản, tư doanh, trước hết là xóa bỏ thương nghiệp tư bản chủ nghĩa. Ngày 22/4/1978, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 44-CT/TW về việc Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công, thương nghiệp tư doanh ở miền Nam. Chỉ thị nhấn mạnh: cải tạo phải kết hợp với xây dựng các ngành công nghiệp; xóa bỏ thương nghiệp tư bản chủ nghĩa và xây dựng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, thiết lập thị trường có tổ chức. Thực hiện chủ trương của Đảng, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp, thương nghiệp tư bản tư doanh được tiến hành mạnh mẽ ở các thành phố lớn ở miền Nam, với việc xây dựng hình thức xí nghiệp quốc doanh, công ty hợp doanh và xí nghiệp hợp tác, gia công.
Về cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp: do tình hình ruộng đất ở miền Nam rất phức tạp, Đảng chủ trương điều chỉnh ruộng đất và coi đó là bước chuẩn bị để đưa nông dân lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Tháng 8/1977, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 15-BBT Về xây dựng hợp tác xã thí điểm ở miền Nam, với phương hướng kết hợp chặt chẽ các ngành sản xuất, chế biến và lưu thông phân phối, kết hợp cải tạo với xây dựng, bảo đảm ba lợi ích, kết hợp hợp tác hóa với thủy lợi hóa, cơ giới hóa, cải tạo nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, kết hợp kinh tế với văn hóa. Ngày 14/4/1978, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 43 CT/TW Về việc nắm vững và đầy mạnh công tác cải tạo nông nghiệp ở miền Nam. Chỉ thị nêu rõ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam nhằm xóa bỏ bóc lột ở nông thôn, đưa nông dân đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp, đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ cuối năm 1978, phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Ở miền Trung và Tây Nguyên, đến đầu năm 1979 đã căn bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp. Đến tháng 7/1980, ở Nam Bộ đã có 12.246 tập đoàn sản xuất, nhưng hoạt động kém hiệu quả. 1.518 hợp tác xã được thành lập cũng trong tình trạng rất khó khăn, một số nhanh chóng tan rã. Cuối năm 1980, hàng loạt hợp tác xã và tập đoàn sản xuất tan rã, toàn miền Nam chỉ còn 173 hợp tác xã, 3.722 tập đoàn sản xuất. Nhìn chung, cải tạo các thành phần kinh tế ở các tỉnh miền Nam diễn ra nhanh nhưng hiệu quả thấp.
Cùng với quá trình đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam, miền Bắc thực hiện củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Các hợp tác xã mở rộng quy mô, tổ chức theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, cơ giới hóa. Tháng 01/1978, Bộ Chính trị ra Chỉ thị về Xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, nhằm xây dựng 400 huyện thành pháo đài chiến đấu và đơn vị kinh tế công – nông nghiệp. Đến năm 1979, miền Bắc đã xây dựng 4.154 hợp tác xã quy mô toàn xã. Một số địa phương hợp nhất 2-3 hợp tác xã thành một hợp tác xã quy mô trên 1.000 héc-ta.
Thứ hai, thực hiện Kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980): Trong 5 năm, đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp không ngừng tăng, 19% đến 36%, nhưng trên thực tế, năng suất lúa ngày càng giảm. Bình quân sản lượng lương thực 5 năm (1976-1980) đạt 13,4 triệu tấn, không hoàn thành mục tiêu Đại hội IV đề ra. Về phát triển công nghiệp, Nhà nước đầu tư phát triển các ngành công nghiệp cơ bản trên phạm vi cả nước, tuy nhiên do đầu tư dàn trải nên hiệu quả kinh tế – xã hội không cao. Giai đoạn 1976-1980, tốc độ tăng trong lĩnh vực công nghiệp bình quân chỉ đạt 0,6%. Tổng sản phẩm xã hội chỉ tăng 1,4% hàng năm, thu nhập quốc dân chỉ tăng 0,4%. Nhìn chung, các chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm Đại hội IV đề ra đều không đạt.
Trong khi nhân dân cả nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội thì tình hình biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc diễn biến ngày càng căng thẳng. Ở biên giới phía Tây Nam, từ đầu tháng 5/1975, quân Pôn Pốt bắt đầu những hoạt động quân sự gây xung đột, chống phá Việt Nam: ngày 03/5/1975, đổ bộ lên đảo Phú Quốc; ngày 08/5/1975, xâm phạm nhiều nơi dọc biên giới Việt Nam từ Hà Tiên đến Tây Ninh, chiếm đảo Thổ Chu. Từ tháng 5/1975 đến cuối năm 1977, quân Pôn Pốt đã liên tiếp gây ra các vụ xung đột ở biên giới phía Tây Nam của Việt Nam
Với chủ trương giải quyết mọi vấn đề trong quan hệ giữa hai nước bằng con đường hòa bình, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần đề nghị đàm phán hai bên, nhưng chính quyền Pôn Pốt đã khước từ và tiếp tục ngoan cố tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 31/12/1977, chính quyền Pôn Pốt đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Cuối năm 1978, chính quyền Pôn Pốt huy động lực lượng lớn, mở cuộc tấn công xâm lược với quy mô lớn vào Việt Nam. Trước hành động ngoan cố của quân Pôn Pốt, quân và dân Việt Nam đã kiên quyết tiến công, đánh đuổi hoàn toàn quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngày 26/12/1978, Bộ Chỉ huy quân đội cách mạng thuộc Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia (thành lập ngày 02/12/1978) đã phát động chiến dịch nổi dậy của nhân dân Campuchia, đồng thời, kêu gọi quân đội Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt phản động và chế độ diệt chủng. Theo đó, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với quân và dân Campuchia tấn công quân Pôn Pốt, cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng. Ngày 07/01/1979, thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng.
Ở biên giới phía Bắc, từ năm 1978, Trung Quốc đơn phương cắt toàn bộ viện trợ kinh tế và kỹ thuật cho Việt Nam, rút chuyên gia đang làm việc ở Việt Nam về nước, công khai thực hiện chính sách thù địch với Việt Nam. Ngày 17/02/1979, 60 vạn quân Trung Quốc với nhiều loại vũ khí, xe tăng, máy bay tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, gồm các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Trước hành động xâm lược của quân Trung Quốc, quân và dân Việt Nam, mà trực tiếp là quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã kiên cường chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới đã ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Trước sự chiến đấu ngoan cường của nhân dân Việt Nam và sự phản đối của dư luận thế giới, ngày 05/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân. Đến ngày 16/3/1979, quân đội Trung Quốc rút hoàn toàn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi.
Bên cạnh đó, những yếu tố chủ quan và khách quan tác động làm cho tình hình kinh tế – xã hội của đất nước ngày càng khó khăn. Từ năm 1979, Việt Nam thực sự lâm vào khủng hoảng kinh tế – xã hội. Sản xuất trì trệ, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế bị giảm sút, nhiều mặt bị mất cân đối nghiêm trọng, lưu thông phân phối ách tắc, căng thẳng. Lạm phát tăng với 3 con số (1976: 128%, 1981: 313%). Nhà nước phải nhập khẩu lương thực với khối lượng lớn (1978: 1,9 triệu tấn; 1979: 2,2 triệu tấn). Đời sống nhân dân, cán bộ viên chức và lực lượng vũ trang ngày càng rất khó khăn. Những nhu cầu tối thiểu như lương thực, hàng tiêu dùng thiết yếu thiếu gay gắt. Nạn đói diễn ra nhiều nơi, vấn đề công ăn việc làm, tệ nạn xã hội trở nên nhức nhối.
Tình hình đất nước đặt ra yêu cầu cấp thiết cho Đảng là phải tìm đường lối đổi mới, khắc phục những hạn chế của cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp, điều chỉnh mục tiêu và phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội đang diễn ra ngày càng sâu sắc.
Từ ngày 15 đến ngày 23/8/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) tổ chức họp Hội nghị lần thứ 6 thông qua hai nghị quyết: Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tình hình và nhiệm vụ cấp bách” và Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển hàng công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp địa phương”.
Nội dung chính của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng là: coi việc đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đảm bảo vững chắc lương thực, thực phẩm và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp là “nhiệm vụ trọng tâm nhất”. Ban hành ngay chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp, ổn định mức bán nghĩa vụ lương thực trong 5 năm, phần còn lại bán cho Nhà nước theo giá thỏa thuận và lưu thông tự do, khuyến khích tập thể và gia đình xã viên khai hoang, phục hóa, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ. Kết hợp kế hoạch với thị trường, khẳng định sự cần thiết tồn tại thị trường tự do, khuyến khích sản xuất “bung ra” đúng hướng. Ở miền Nam tồn tại 5 thành phần kinh tế: quốc doanh, tập thể, công ty hợp doanh, cá thể, tự bản tư nhân. Hội nghị chủ trương thực hiện các nhiệm vụ trên bằng các giải pháp mới về quản lý kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa: khắc phục một bước sự trì trệ của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp; kết hợp ba lợi ích của tập thể, cá nhân và xã hội.
Hội nghị Trung ương 6 đã thể hiện bước đầu đổi mới tư duy của Đảng về kinh tế, khởi đầu cho quá trình tìm kiếm giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội, tháo gỡ từng bước những ràng buộc của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Vì vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) chính là bước đột phá đầu tiên trong quá trình tìm đường lối đổi mới của Đảng.
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 6, Chính phủ đã ban hành một số quyết định đánh dấu bước đầu đổi mới trên lĩnh vực kinh tế như: Quyết định ngày 16/8/1979 về việc khuyến khích tận dụng ruộng đất trong nông nghiệp vào sản xuất; Quyết định ngày 10/9/1979 về việc xóa bỏ các trạm kiểm soát có tính chất “ngăn sông, cấm chợ, ngăn cản việc lưu thông hàng hóa ở các địa phương;… Những quyết định kịp thời của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 bước đầu mang đến hiệu quả kinh tế.
Trong khi Đảng và Nhà nước đang từng bước cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6, ở một số địa phương và một số cơ sở công nghiệp quốc doanh đã mạnh dạn tìm cách tháo gỡ và thử nghiệm cách quản lý mới. Trong nông nghiệp, những năm 1977-1979, Hợp tác xã Đoàn Xá (huyện Đồ Sơn, Hải Phòng) đã thực hiện khoán việc và khoán sản phẩm cho xã viên và nhóm xã viên. Tiếp đó, một số hợp tác xã ở Vĩnh Phú, Nghệ An, tập đoàn sản xuất nông nghiệp xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai),… cũng thực hiện hiệu quả khoán trong nông nghiệp. Trong công nghiệp, đầu năm 1979, một số nhà máy, xí nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện “xé rào”, tổ chức lại sản xuất theo hướng tự hạch toán kinh doanh.
Trước thực tiễn đang diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, Trung ương Đảng đã kịp thời tổng kết lý luận để soi đường cho thực tiễn phát triển. Ngày 21/10/1980, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo số 22, cho phép các địa phương khoán thử cây lúa, khoán sản phẩm và khoán việc. Tháng 12/1980, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương (khóa IV) chủ trương mở rộng và hoàn thiện các hình thức khoán trong nông nghiệp. Ngày 13/01/1981, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100 CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Nội dung cơ bản của Chỉ thị số 100 CT/TW là cải tiến mạnh mẽ các hình thức khoán của đội sản xuất đối với xã viên, mở rộng khoán sản phẩm.
Trong công nghiệp, ngày 21/01/1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 25-CP về Một số chủ trương và biện pháp nhằm tiếp tục phát huy quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh. Quyết định cho phép các xí nghiệp quốc doanh có nhiều nguồn cân đối và thực hiện kế hoạch 3 phần (phần Nhà nước giao, phần tự làm và phần sản phẩm phụ). Cùng ngày, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 26-CP về Mở rộng hình thức trả lương khoán, lượng sản phẩm và vận dụng hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Nhà nước nhằm tạo động lực cho người lao động hăng hái lao động sản xuất.
Các quyết định của Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ với những điểm mới trong quản lý nông nghiệp và công nghiệp, đã góp phần làm giảm tình trạng trì trệ trong sản xuất của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi sản xuất nông nghiệp và công nghiệp có chuyển biến tích cực thì trên mặt trận phân phối, lưu thông ngày càng rối ren. Ngày 23/6/1980, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về cải tiến công tác phân phối lưu thông. Nghị quyết số 26 nhấn mạnh nguyên tắc giá cả phù hợp với chi phí sản xuất và lưu thông. Tích cực chuẩn bị để tiến đến xóa bỏ tem phiếu.
Quá trình đổi mới từng phần, theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 là những khảo nghiệm, tìm tòi của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, đã bước đầu cho kết quả tốt; tuy chưa đồng bộ nhưng là cơ sở, tạo tiền đề để Đảng hoạch định đường lối đổi mới toàn diện đất nước.
c. Đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng (3/1982)
Đại hội xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ chiến lược này quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau. Đại hội khẳng định thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta tương đối dài, trải qua nhiều chặng, đây là cơ sở để Đảng cụ thể hóa đường lối thành mục tiêu nhiệm vụ cụ thể cho phù hợp với từng chặng. Đại hội xác định Việt Nam đang ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ (bao gồm những năm từ 1981 đến năm 1985 và kéo dài đến năm 1990), với những mục tiêu kinh tế – xã hội tổng quát: ổn định dần dần, tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước, đáp ứng nhu cầu củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự đất nước.
Đại hội xác định phải ưu tiên cho nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đồng thời đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng; kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu hợp lý,… nhằm tạo ra lực lượng sản xuất mới, chuẩn bị tiền đề và lực lượng cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa trong chặng đường tiếp theo. Đại hội cũng đưa ra nhiều quyết định rất quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về lưu thông, phân phối, về quản lý kinh tế,…
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V (6/1985) chủ trương dứt khoát xóa bỏ tập trung quan liêu – bao cấp, thực hiện chế độ tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới toàn diện sau này, là bước đột phá thứ hai của quá trình hình thành đường lối đổi mới.
Tháng 8/1986, Hội nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư thảo luận làm rõ ba vấn đề lớn về kinh tế thời kỳ quá độ: về cơ cấu sản xuất, cải tạo xã hội chủ nghĩa, cơ chế quản lý kinh tế. Kết luận của Bộ Chính trị là bước đột phá thứ ba có giá trị quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.
Nội dung của bản kết luận trở thành cơ sở cho những quan điểm kinh tế của Đại hội VI, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội của Đảng.
3. Đánh giá thành tựu và hạn chế của 10 năm Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975-1986)
Thành tựu
Đất nước hoàn thành quá trình thống nhất về mặt Nhà nước, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội sau 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng đất nước. Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ thành quả cách mạng, làm thất bại âm mưu chống phá Đảng, mưu đồ bạo loạn lật đổ chính quyền, Nhà nước của các thế lực phản động. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Campuchia.
Trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định: sản xuất lương thực có bước phát triển, tăng từ 13,4 triệu tấn trong các năm 1976-1980 lên 17 triệu tấn những năm 1981-1985. Sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,5% so với 0,6% hằng năm trong giai đoạn 1976-1980.
Cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội tiếp tục được tăng cường trên phạm vi cả nước, với những công trình quan trọng, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới sau này.
Đảng đã từng bước khảo nghiệm thực tiễn, tìm tòi đổi mới trong tư duy kinh tế, cơ bản hình thành đường lối đổi mới đất nước. Đó là cơ sở lý luận cho Đảng để chính thức trở thành đường lối đổi mới đất nước được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng thông qua năm 1986.
Hạn chế
Mô hình chủ nghĩa xã hội theo kiểu tập trung, quan liêu, bao cấp đã bộc lộ nhiều nhược điểm, nhưng chưa được thay đổi, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng.
Trong lãnh đạo cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng nhận thức còn giản đơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chưa nắm bắt đúng các quy luật vận động đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ còn mang nặng tính tự cấp, tự túc.
Trong chỉ đạo thực tiễn của Đảng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn: sản xuất tăng chậm, không tương xứng với điều kiện tự nhiên và khả năng lao động, không đáp ứng được yêu cầu cải thiện đời sống nhân dân; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp,…
Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố, vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh suy yếu.
Một số kinh nghiệm
Thứ nhất, Đảng phải nhận thức đúng đắn lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, nhận thức đúng đắn về quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất.
Thứ hai, trong quá trình hoạch định đường lối và tổ chức chỉ đạo thực hiện, Đảng phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.
Thứ ba, Đảng phải luôn giữ vững độc lập, tự chủ, linh hoạt, sáng tạo trong xác định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.
Thứ tư, phải xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền.
Những bài học kinh nghiệm của Đảng về lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn 1975-1986 chính là những bài học lý luận và thực tiễn sâu sắc về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Từ đó sẽ giúp Đảng trưởng thành và vững vàng hơn trong lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.397.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.523.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Sđd, tr.524.
Nguồn: Học viên chính trị khu vực II (2020), Tập bài giảng môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, TP.HCM.