Nhiều người dùng lẫn lộn chữ “hàng” và chữ “hằng” đến mức cho rằng “hàng ngày” và “hằng ngày” là đồng nghĩa, thậm chí trong văn viết cũng được chấp nhận. Có người lại cho rằng để chỉ hoạt động được thực hiện lặp lại mỗi ngày thì phải dùng “hàng ngày” (?). Tóm lại “hàng ngày” với “hằng ngày”, “hàng tháng” với “hằng tháng”, “hàng năm” với “hằng năm”… có đồng nghĩa không, nếu không thì dùng từ nào trong trường hợp nào là đúng?
Tra từ điển Hoàng Phê (cuốn từ điển tiếng Việt uy tín được nhiều học giả uy tín trích dẫn) và cả một số quyển từ điển tiếng Việt khác đều cho thấy hai từ này có nghĩa khác nhau.
– Chữ “Hàng”, ngoài các nghĩa khác nhau với tư cách là danh từ, động từ thì còn là một phụ từ đứng trước danh từ với nghĩa: “biểu thị số lượng nhiều, không xác định, nhưng tính bằng đơn vị được nói đến” [Hoàng Phê, 1988, tr.442]
Ví dụ:
+ Hàng đống sách, đọc mãi không hết;
+ Phải chờ lâu hàng giờ;
+ Người đông có tới hàng nghìn.
– Chữ “Hằng”, ngoài nghĩa tư cách là phụ từ đứng trước động từ thì “hằng” còn là một phụ từ đứng trước danh từ với nghĩa: “biểu thị tính lặp đi lặp lại một cách định kì theo từng đơn vị thời gian được nói đến” [Hoàng Phê, 1988, tr.449].
Ví dụ:
+ Tạp chí ra hằng tháng;
+ Công việc hằng ngày;
+ Giải đấu hằng năm.
Như vậy, nghĩa của từ “hàng” và “hằng” hoàn toàn khác nhau kể cả khi đứng riêng hay khi làm phụ từ cho danh từ. Có lẽ do phát âm chữ “hàng” và chữ “hằng” gần giống nhau dẫn đến việc nhầm lẫn đến mức nhiều người lầm tưởng là đồng nghĩa rồi dùng mãi nên nay gần như được coi là đồng nghĩa. Ngôn ngữ mà, nhiều người dùng và khi dùng số đông đều hiểu là được.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Phê (1988), Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.