Bình Phước : Cổng thông tin điện tử

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, có các điểm tham quan đáng chú ý sau:

Chùa Quang Minh tọa lạc trên quốc lộ 14, thuộc phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1952, được trùng tu năm 1990. Hàng năm vào các dịp rằm, tết cổ truyền dân tộc, lễ Phật đản, du khách cùng bà con phật tử đến thắp nhang cầu khấn những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội.

Dinh than Hung Long

Đình thần Hưng Long. Ảnh: Lê Văn Năm

Đình thần Hưng Long tọa lạc tại khu phố 5, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành. Đình được xây dựng khoảng năm 1850. Kiến trúc đình rất độc đáo. Du khách thường đến đây vào các ngày mùng 1 âm lịch và ngày rằm hằng tháng để cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chùa Sóc Lớn tọa lạc tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Chùa được xây dựng khoảng năm 1931. Đây là ngôi chùa của bà con Khmer. Vào các dịp lễ Phật đản, lễ Đôlta, Tết Chol Chnam Thmay, bà con người Khmer tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa tại đây.

Đồi Bằng Lăng và Bia tưởng niệm các liệt sĩ trên núi Bà Rá là di tích nằm trong khu vực núi Bà Rá. Từ chân núi đi lên có một con đường nhựa thoai thoải dẫn du khách đến đồi Bằng Lăng, nơi đây có đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.

Miếu Bà Rá nằm trên trục đường tỉnh ĐT 741 thuộc phường Sơn Giang, thị xã Phước Long. Miếu được xây dựng bởi các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại nhà tù Bà Rá cùng nhân dân địa phương, nhằm tôn vinh những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc. Vào các ngày mùng 1, 2, 3 tháng ba âm lịch hằng năm, tỉnh đứng ra tổ chức lễ hội để tưởng nhớ các vị tiền bối, các anh hùng hy sinh vì Tổ quốc và những người khai sinh vùng đất Bà Rá, cầu cho quốc thái dân an, thu hút nhiều khách thập phương đến viếng.

Đền Hùng tọa lạc tại xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng. Đây là nơi nhân dân tỏ lòng tôn kính các vị Vua Hùng đã có công dựng nước. Hằng năm, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) chính quyền địa phương đứng ra tổ chức lễ dâng hương rất trang trọng.

Thành cổ đắp đất hình tròn được phát hiện vào thập niên 1950, chủ yếu ở địa bàn Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Long, Bù Gia Mập. Theo các nhà khảo cổ học, đây là nơi cư trú và phòng thủ của các cư dân cổ. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật như mảnh gốm, công cụ đá, đồ trang sức bằng gốm có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 năm.

Lễ hội Chol Ch’nam Th’may là tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer, được tổ chức vào trung tuần tháng tư hằng năm tại các chùa, phum, sóc. Những nghi lễ đón tết rất phong phú như: lễ rửa tượng Phật, lễ té nước, cầu an và làm bánh tét.

Lễ hội quay đầu trâu mừng lúa mới của đồng bào dân tộc S’Tiêng đã có từ lâu đời. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa, để tạ ơn trời đất, đồng bào tổ chức đâm trâu để ăn mừng, đầu trâu sẽ được tặng lại cho họ tộc khác. Họ được tặng đầu trâu sang năm tổ chức lễ hội và tặng lại đầu trâu cho dòng họ mà mình vay năm trước. Lễ hội quay đầu trâu diễn ra hằng năm sau mùa thu hoạch và kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12.

Lễ mừng lúa mới của người Mnông được tổ chức tại rẫy lúa vào khoảng tháng 8 hằng năm. Trong lễ có bày thịt, rượu cần, cơm để cúng Giàng, tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng vụ mùa bội thu và cầu xin mùa tới được tốt đẹp hơn. Khi màn đêm buông xuống, mọi người quây quần bên ngọn lửa, uống rượu cần, ăn thịt nướng, múa hát theo tiếng cồng chiêng rất vui nhộn./.

[ad_2]