Hiện có 5 nhóm chính thuộc các môn phái võ cổ truyền ở Việt Nam là nhóm Bắc Hà (miền Bắc), nhóm Bình Định (miền Trung), nhóm Nam Bộ (miền Nam), nhóm các môn phái có nguồn gốc từ Trung Hoa đến Việt Nam (như các hệ phái danh gia Thiếu Lâm). Ngoài ra, còn có thể kể đến các Võ phái Việt Nam phát triển ở nước ngoài.

(Moderate)

Hòa quyện võ học Hoa-Việt

Sự giao lưu, ảnh hưởng hơn ngàn năm từ Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử ở Việt Nam đã sáng tạo ra những hệ phái võ thuật do các võ sư Trung Quốc hoặc võ sư Việt giảng dạy. Sự kết hợp giữa các hệ thống được chân truyền từ Trung Hoa hòa quyện vào con người bản địa ở Nam bộ Việt Nam đã ít nhiều cải biên cho phù hợp với thể chất và văn hóa của người Việt.

Trong số những môn phái có nguồn gốc từ Trung Hoa du nhập vào Nam bộ Việt Nam, phải kể đến môn phái Thiếu lâm Long Phi, ở thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) hiện do Đại võ sư Nguyễn Minh Trí làm chưởng môn.

Môn phái Thiếu lâm Long Phi được bắt đầu hoạt động từ những năm 1967 do võ sư Nguyễn Văn Thinh sáng lập. Khi mới thành lập môn phái hoạt động tại quận Tân Bình (Gia Định), nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Khi võ sư Nguyễn Văn Thinh qua đời năm 1991, võ sư Nguyễn Minh Trí tiếp quản chưởng môn đời thứ 3 và phát triển môn phái cho đến ngày nay.

(Moderate)

Đại Võ sư Nguyễn Minh Trí, sinh năm 1951, quê ở làng Tân Phước Khánh – Bà Trà, nay là phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Minh Trí đã được ông ngoại của mình hướng tâm đến học võ thuật. Mới 16 tuổi nhưng với niềm đam mê học võ, chàng thiếu niên Nguyễn Minh Trí đã gặp may khi trở thành đệ tử chân truyền của môn phái Thiếu lâm Long Phi.

Môn phái Thiếu lâm Long Phi với kỹ thuật tổng hợp các thế võ cương nhu, trong ngoài công thủ cước pháp, quyền pháp Thiếu Lâm Trung Hoa được biến hóa qua Tây Sơn quyền pháp. Tổng hợp kỹ thuật của Thiếu Lâm Long phi có 36 bài quyền pháp, binh khí nổi bật là côn, kiếm, đơn đao, đại đao, trường thương.

(Moderate)

Năm 1976, sau gần 10 năm rời quê tầm sư học võ, chàng thanh niên Nguyễn Minh Trí trở về mái nhà xưa ở Bình Dương để truyền bá võ học Thiếu lâm Long Phi cho mọi người. Đến năm 1991, khi mới 40 tuổi, đệ tử chân truyền Nguyễn Minh Trí đã trở thành chưởng môn đời thứ hai của môn phái Thiếu Lâm Long Phi khi chưởng môn đầu tiên Nguyễn Văn Thinh qua đời.

Từ ngày nhận chức chưởng môn Thiếu lâm Long Phi, võ sư Nguyễn Minh Trí đã có cơ duyên phát triển môn phái trở thành một trong những môn phái võ cổ truyền nổi tiếng trong làng võ ở Nam bộ và làng võ cả nước. Với nền võ học tinh thông cộng với khí chất của con nhà võ, võ sư Nguyễn Minh Trí được đồng đạo võ lâm ở Bình Dương bầu chức Phó Chủ tịch Hội Võ cổ truyền tỉnh Bình Dương vào năm 2001.

Với sự năng động và huyết tâm cao, Phó Chủ tịch Hội Võ cổ truyền tỉnh Bình Dương, Nguyễn Minh Trí đưa Môn phái Thiếu lâm Long Phi không chỉ phát triển mạnh ở tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Trị và Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn phát triển lan rộng khắp nơi trong và ngoài nước Việt Nam. Thống kê sơ bộ, môn phái có 79 huấn luyện viên, hơn 1.300 võ sinh đang theo học.

(Moderate)

Riêng tại địa bàn Thủ Dầu Một, vào năm 1996, Nhà văn hóa tỉnh Sông Bé, nay là Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Bình Dương ký quyết định thành lập Câu lạc bộ võ thuật Thiếu lâm Long Phi là một trong các câu lạc võ cổ truyền đầu tiên của Nhà văn hóa Sông Bé. Câu lạc bộ võ thuật Thiếu lâm Long Phi ra đời, phát triển với mục đích tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho quần chúng nhân dân trong tỉnh có thêm điều kiện giao lưu, sinh hoạt và phát triển năng khiếu võ thuật của mình.

Qua các tiết mục biểu diễn trong các kỳ festival võ thuật, Thiếu lâm Long Phi từng bước được đông đảo người hâm mộ võ thuật trong và ngoài nước đánh giá cao, nhận được nhiều bằng khen của Ban tổ chức và đặc biệt, các tiết mục xuất sắc của Thiếu lâm Long Phi được chọn vào vòng chung kết và công diễn trong lễ bế mạc.

(Moderate)

Thăng hoa võ nhạc

Võ nhạc đã tạo ra nét đặc sắc riêng cho môn phái Thiếu lâm Long Phi. Trên nền tảng của những ca khúc như Hòn vọng phu, Bạch Đằng Giang, Phù Đổng Thiên Vương, Đại Võ sư Nguyễn Minh Trí đã dày công biên tập rồi dàn dựng công phu để cho ra đời nhiều tiết mục võ nhạc đặc sắc, gắn liền với lịch sử dân tộc Việt. Sự kết hợp giữa võ thuật và âm nhạc đã hình thành nét võ đạo mang màu sắc riêng cho môn phái Thiếu lâm Long Phi ngày nay.

Theo Đại Võ sư Nguyễn Minh Trí, những ngày đầu thành lập Câu lạc bộ võ thuật Thiếu lâm Long Phi ở Thủ Dầu Một chỉ có 1 võ sư, 4 huấn luyện viên phụ tá cùng 180 võ sinh. Tính đến nay, Câu lạc bộ này đã có hơn 500 võ sinh, 8 huấn luyện viên cấp cao, 12 huấn luyện viên trung cấp và 36 hướng dẫn viên. Để đạt được kết quả trên, các võ sư, huấn luyện viên đã không ngại khó khăn để truyền dạy những nét tinh hoa của môn võ Thiếu lâm Long Phi cho mọi người ham học võ.

Môn phái Thiếu Lâm Long Phi ở Thủ Dầu Một có 7 lần tham gia Liên hoan quốc tế võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Bình Định và đều có tiết mục xuất sắc được chọn công diễn bế mạc. Bên cạnhhoạt động tập luyện, thi đấu các giải trong và ngoài Bình Dương, Hội Võ thuật cổ truyền thành phố Thủ Dầu Một hay môn phái Thiếu lâm Long Phi Thủ Dầu Một còn được biết đến với những bài biểu diễn võ nhạc đẹp mắt, ấn tượng.

Theo Đại võ sư Nguyễn Minh Trí, trong xu thế chung của phong trào võ nhạc cả nước, vào năm 2003, ông đã suy nghĩ và dàn dựng các tiết mục biểu diễn bằng cách kết hợp các bài quyền trên nền nhạc mang âm hưởng dân tộc, ca ngợi lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, được các võ sinh đón nhận và tập luyện vô cùng hào hứng.

(Moderate)

Đến năm 2006, Hội Võ thuật cổ truyền thành phố Thủ Dầu Một và môn phái Thiếu lâm Long Phi Thủ Dầu Một vinh dự được đại diện võ thuật cổ truyền Bình Dương góp mặt tại Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam và để lại nhiều ấn tượng. Từ đó đến nay, liên hoan tổ chức hai năm một lần, thì cái tên Hội Võ cổ truyền Thủ Dầu Một hay Thiếu lâm Long Phi Thủ Dầu Một luôn nằm trong danh sách các đội khách mời tham dự.

Từ mục đích ban đầu chỉ tập vì đam mê và hoàn thành nhiệm vụ do Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Bình Dương giao tại Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam 2006, đến nay, các tiết mục võ nhạc sân khấu hóa của Hội Võ thuật cổ truyền thành phố Thủ Dầu Một hay môn phái Thiếu lâm Long Phi Thủ Dầu Một được nhiều khán giả biết đến hơn, nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại Thành phố Thủ Dầu Một và các địa phương trong và ngoài tỉnh Bình Dương.

(Moderate)

Với niềm đam mê võ thuật cuồng nhiệt cộng hưởng với tình yêu võ thuật cổ truyền dân tộc, các võ sinh của Thiếu Lâm Long Phi biến hóa võ nhạc thông qua các tiết mục “Vươn vai Phù Đổng”, “Nòi giống tiên rồng”, đạt đỉnh cao của sự hòa quyện giữa võ thuật và nghệ thuật.

Qua 50 năm trải nghiệm trong làng võ cổ truyền Việt Nam, Đại võ sư Nguyễn Minh Trí đã hấp thụ cảm nhận, tích lũy, chuyển tải thành lời rồi thông qua Nhạc sĩ Phan Hữu Lý ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương chuyển thể thành nhạc phẩm “Vinh danh võ cổ truyền Việt Nam”.

(Moderate)

Mới đây, trong khuôn khổ giải vô địch thế giới võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 1 năm 2016 tại nhà thi đấu Phú Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh), môn phái Thiếu lâm Long Phi Bình Dương vinh dự được diễn khai mạc võ nhạc sân khấu hòa “Nòi giống tiên Rồng” do 70 huấn luyện viên và môn sinh Thiếu lâm Long Phi thực hiện thành công và rất được hoan nghênh trong Đại hội. Từ năm 2003 đến năm 2019, môn phái Thiếu lâm Long Phi điều phối họp phần tế võ Ngày giỗ tổ Hùng Vương tại trường Chuyên Hùng Vương ở tỉnh Bình Dương qua các tiết mục võ nhạc sử ca./.

Nguồn: Đất Việt