Như một hồi ký, tôi sẽ viết lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất về ngôi trường chuyên Quang Trung yêu dấu của chúng ta, tôi sẽ nói bạn nghe vì sao thầy trò CQT lại yêu thương mái nhà chung này đến thế, lại tự hào về ba chữ CQT đến thế. Tôi sẽ gửi bạn những hình ảnh tư liệu ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ từ những ngày đầu thành lập trường của chính tôi cầm máy, cái thời máy cơ với phim phải tráng rọi trong phòng tối.
Tháng 10/2003 tôi đặt chân đến ngôi trường này, lúc ấy, tôi chỉ biết trường này là trường chuyên của tỉnh Bình Phước. Ngày ấy, thầy Trần Như Ý (từ giờ tô sẽ gọi là Thầy như cách tôi vẫn gọi Thầy), người hiệu trưởng đầu tiên của trường dặn dò qua điện thoại, “Thầy còn thi mấy môn nữa, trường giờ nhiều việc mà chỉ có mình thầy Tuấn, em về giúp thầy”, thế là tôi khoác balô chạy về Đồng Xoài đi tìm trường chuyên.
Trường lúc ấy chưa có nhà công vụ, thầy trò ở nhờ khu C trường Cao Đẳng sư phạm Bình Phước. Công việc những ngày đầu là chuẩn bị phòng ở, là câu điện thoại, là đi thông báo tuyển sinh. Nghe thì đơn giản thôi nhưng ngày ấy chưa có con dấu lấy gì mà làm thủ tục đăng ký điện thoại. Đáng nhớ nhất vẫn là những ngày ròng rã đi thông báo tuyển sinh khắp các trường THPT trong tỉnh chỉ bằng chiếc xe máy Trung Quốc của thầy Trung Tuấn. Những ngày mưa, đi về ban đêm chỉ còn cách tắt đèn, thầy Tuấn ngạc nhiên thấy tôi đi đêm mà tắt đèn nhưng sự thật thà thế còn hơn nhìn màn mưa trắng xóa vì mưa quá dày hạt, không thể nào nhìn thấy mặt đường nếu để đèn.
Sau chuyến chu du thông báo chiêu sinh trở về trường chúng tôi bắt tay vào công việc chuẩn bị, nhiều lắm, nói chung là tất tần tật những công việc để biến một công trình xây dựng thành một ngôi trường sạch đẹp và nền nếp nhất. Thời gian này cả mấy Thầy trò cùng làm việc ở phòng Kế toán bây giờ, trong phòng làm việc có một chiếc máy tính, một đống hồ sơ và có cả giường xếp để khi làm mệt quá thì lăn ra ngủ luôn.
Khi công trình hoàn tất các dãy phòng học, Thầy cùng những thầy cô giáo cùng nhau xách nước lau tường, lau bảng… để “học sinh vào thấy sạch đẹp mới giữ gìn”, Thầy nói thế và chúng tôi làm việc với tinh thần hăng hái đến lạ.
Tháng 12/2003, trường chuyên Quang Trung vẫn đang trong thời gian thi công, sân trường đang được gấp rút thi công. Không chỉ thầy cô giáo nhà trường ngày đêm khẩn trương chuẩn bị cho ngày khánh thành và khai giảng khóa đầu tiên mà anh em công trình cũng thức đêm để đẩy nhanh tiến độ, kịp hoàn tất công trình trong tháng 12.
Ngày 05/01/2004 được chọn là ngày khánh thành và khai giảng khóa đầu tiên của một ngôi trường mà chủ nhân của nó lúc ấy không có gì ngoài hai từ “Tâm huyết”. Chưa ai một lần quản lý hay giảng dạy chương trình chuyên, vậy mà ngôi trường chuyên mang tên người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung đã chính thức được khai sinh.
Niềm vui hòa quyện với nỗi niềm trăn trở, lo lắng tạo thành một cảm giác rất riêng mà chỉ những ai từng trải nghiệm mới cảm được. Nhiều đêm, tuy phòng nghỉ ở trường Cao đẳng nhưng hầu như hằng đêm mấy thầy trò đều ở lại trường. Thầy đã viết bài diễn văn khai giảng – khánh thành giàu cảm xúc, tình cảm trong thời điểm này. Bài diễn văn mà đến bây giờ mọi người còn nhắc “Dù ngôi trường này có rêu phong vì mưa nắng nhưng nó không thể xuống cấp vì những hành động thiếu ý thức của con người”, và “… trong những năm đầu có thể chất lượng học tập chưa cao nhưng việc giữ gìn nề nếp và tác phong văn hóa nhất định phải làm tốt”.
Sáng 05/01/2004, 17 thầy cô giáo đầu tiên của trường ai lo việc ấy nhưng có chung một nỗi niềm, một cảm giác chộn rộn, hồi hộp nhưng không ai nói ra. Thấy mọi người có vẻ căng thẳng Thầy nói, “Lỡ không có học sinh nào đến nhập học thì sao ta”, “Làm gì có chuyện đó”, tôi đáp và chợt phát hiện thì ra thầy cũng đang lo nỗi lo bị … ế!
Khóa học trò đầu tiên có 186 học sinh, quá ít đối với sân trường thênh thang và tầm cỡ của buổi lễ khai sinh một ngôi trường thế là phải sử dụng phương án mượn học sinh trường Đồng Xoài sang dự cho đông vui.