Ai cũng vậy, trong cuộc sống sẽ có lúc gặp khó khăn trắc trở. Khó khăn của mỗi người sẽ khác nhau và mức độ cũng khác nhau nhưng chắc chắn rằng đường đời không bao giờ là bằng phẳng.
Trắc trở trong cuộc sống của bạn có thể là khủng hoảng tài chính (túng thiếu, vỡ nợ), có thể là tai nạn lao động, là tai nạn giao thông, là bệnh nan y, là gia đình ly tán, là bị người hãm hại, hay thiên tai hỏa hoạn…
Bạn sẽ phải trải qua những thời khắc khó khăn, khổ đau, sợ hãi và nếu bạn không sẵn sàng đón nhận, không được chuẩn bị tâm lý ứng phó với những rủi ro trong cuộc sống có thể bạn sẽ đi đến bế tắc và không vượt qua được. Điều đó lý giải phần nào hiện tượng tự tử của những người trẻ thời gian gần đây đang có xu hướng tăng.
Nhận biết và phòng tránh
Điều cần quan tâm trước hết và thường xuyên là nhận biết và phòng tránh rủi ro. Trong mọi hoạt động hằng ngày đều tiềm ẩn những rủi ro như việc bếp núc có thể khiến bạn bị bỏng, cháy nổ; đi xe ô tô có thể bị mất phanh, mất lái, kẹt ga, và cả những nguy hiểm khi lên xuống xe mà không quan sát; chơi thể thao có thể bị chấn thương rất nặng …
Như vậy, để nhận biết và phòng tránh thì trong từng hoạt động, từng tình huống trong cuộc sống hằng ngày chúng ta luôn phải quan sát và phân tích, phòng ngừa. Nên đọc hoặc theo học những lớp lỹ năng thoát hiểm, kỹ năng ứng phó với trắc trở, rủi ro trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta dần hình thành ý thức phòng tránh rủi ro.
Bạn cần làm gì để ứng phó với rui ro?
Trang bị cho mình một kỹ năng ứng phó với rủi ro trong cuộc sống là rất cần thiết, đặc biệt là với các bạn trẻ. Trước khi được tham gia những khóa học rèn luyện kỹ năng này, tôi nghĩ những lời khuyên sau sẽ giúp bạn phần nào làm chủ được cảm xúc và tìm được cách ứng phó hợp lý với những rủi ro, trắc trở trong cuộc sống:
Trước hết ta cần biết rằng, khổ đau cũng là một phần tất yếu của cuộc sống, dù sống trong nhung lụa hay không chốn nương thân thì cảm xúc của con người cũng luôn đan xen khổ đau và hạnh phúc.
Bạn đang khổ đau, hay lắng lòng và trả lời 3 câu hỏi sau:

  1. Nếu cứ đau khổ thì sẽ được gì và mất gì?
  2. Liệu có chuyện nào đau khổ hơn nữa không?
  3. Làm thế nào để thoát khỏi nỗi đau khổ này?

Trả lời câu hỏi 1 và 2 nỗi khổ đau của bạn sẽ giảm đi một phần.
Với câu 3, nếu bạn tìm được cách thoát khỏi thì bạn đã thành công, nếu câu trả lời của bạn là “không biết” thì hãy trả lời 3 câu hỏi tiếp theo:

  1. Nếu cứ đau khổ thì sẽ được gì và mất gì?
  2. Liệu có chuyện nào đau khổ hơn nữa không?
  3. Làm thế nào để thoát khỏi nỗi đau khổ này?

Và cứ thể, nỗi đau sẽ dần nguôi ngoai.
Làm gì cho người đang gặp bất trắc, rủi ro?
Xin nhắc lại với bạn rằng: Ai cũng vậy thôi, trong cuộc sống sẽ có lúc gặp khó khăn trắc trở.
Vì vậy bạn hãy thông cảm, sẻ chia và giúp đỡ những người đang gặp trắc trở trong cuộc sống. Hãy đặt mình vào vị trí của người, hãy nghĩ xem nếu ta rơi vào tình huống của người thì ta cần gì thì mới có thể đạt được sự thấu hiểu và sẻ chia thật sự.
Hãy cố gắng giúp nạn nhân làm giảm thiểu những tác hại của rủi rõ, hay mang đến sự thấu hiểu và chia sẻ thật lòng để xoa dịu nỗi khổ đau của người đang gánh chịu.

Theo kynangtuve.com