Nominal scale

Thang đo định danh (còn gọi là danh nghĩa, phân loại). các con số trong thang đo này chỉ dùng để phân loại các đối tượng, chúng không mang ý nghĩa nào khác. Về thực chất thang đo định danh là sự phân loại và đặt tên cho các biểu hiện và ấn định cho chúng một ký số tương ứng. Ví dụ: Số áo cầu thủ (Cầu thủ áo số 9 không có nghĩa “lớn hơn” cầu thủ mang áo số 1) hay mã hóa giới tính: 1: nữ; 2: nam.

Ordinal scale

Thang đo thứ bậc. Các con số ở thang đo được sắp xếp theo 1 quy ước nào đó về thứ bậc hay sự hơn kém, nhưng ta không biết được khoảng cách giữa chúng và khoảng cách giữa chúng không nhất thiết phải đều nhau. Ví dụ: ta có thể mã hóa cho sự hài lòng như sau: 1: không hài lòng; 2: bình thường; 3: hài lòng. Lúc này ta không biết được là mức độ hài lòng của người chọn số 3 là gấp bao nhiêu lần so với khi chọn số 2 hoặc 1.
Lưu ý rằng bất cứ thang đo thứ bậc nào cũng là thang đo định danh nhưng điều ngược lại thì chưa chắc đúng.

Interval scale

Thang đo khoảng là một dạng đặc biệt của thang đo thứ bậc vì nó cho biết được khoảng cách giữa các thứ bậc. Thông thường thang đo khoảng có dạng là một dãy các chữ số liên tục và đều đặn từ 1 đến 5, từ 1 đến 7 hay từ 1 đến 10. Dãy số này có 2 cực ở 2 đầu thể hiện 2 trạng thái đối nghịch nhau. Ví dụ: 1: hoàn toàn không đồng ý; 2: không đồng ý; 3: bình thường; 4: đồng ý; 5: hoàn toàn đồng ý.

Ratio scale

Thang đo tỉ lệ là thang đo có tất cả các đặc tính khoảng cách và thứ tự của thang đo khoảng, ngoài ra điểm 0 (số không) trong thang đo tỉ lệ là một số “thật” nên ta có thể thực hiện được phép toán chia để tính tỉ lệ nhằm mục đích so sánh. Ví dụ: đo chiều cao, cân nặng, tuổi tác…
Lưu ý trong SPSS thì Interval và Ratio được gộp chung là Scale.