Sáng kiến kinh nghiệm năm 2012
Trên thực tế, học lực (năng lực) của học sinh Việt Nam vẫn còn được đánh giá thông qua điểm số thô, nghĩa là điểm có được từ các bài thi/kiểm tra chứ chưa áp dụng các phương pháp thống kê chuyển đổi các điểm số thô thành điểm chuẩn bằng việc sử dụng giá trị trung bình và độ lệch chuẩn, chẳng hạn như, t-scores, z-scores. Vì vậy, sai số của đề thi là vấn đề rất cần được quan tâm. Theo PGS.TS Nguyễn Phương Nga thì việc đánh giá năng lực học sinh “Có thể khái quát bằng công thức: Năng lực học sinh = Điểm thi + sai số chuẩn. Sai số càng lớn thì mức độ đánh giá chính xác càng giảm. Ra đề thi như hiện nay, nhiều học sinh sẽ trượt oan nhưng cũng nhiều học sinh đỗ oan.”
Để nâng cao chất lượng đề thi, thu nhỏ sai số chuẩn, thì việc đầu tiên cần quan tâm là việc viết câu hỏi thi và tổ hợp thành đề thi. Người thiết kế đề thi phải dựa trên các chuẩn: chuẩn chương trình, chuẩn mục tiêu đào tạo của từng môn học, chuẩn kiến thức yêu cầu người học phải đạt được khi hoàn tất một lớp học, bậc học hay chương trình đào tạo… Từ chuẩn mới có thể đo lường được bằng các yêu cầu cụ thể về kiến thức, kỹ năng để ra đề thi. Đặc biệt, người thiết kế đề thi phải được trang bị kiến thức về kiểm tra, đánh giá mới có thể làm việc một cách khoa học và như thế mới đánh giá đúng hơn năng lực của người học thông qua đề thi/kiểm tra.
Vận dụng những kinh nghiệm công tác và kiến thức có được từ các môn học như: Cơ sở khoa học và thiết kế các loại hình kiểm tra đánh giá kết quả học tập, Lý thuyết đo lường và đánh giá, Mô hình Rasch và Phân tích dữ liệu bằng phần mềm QUEST,…; với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng trong công tác kiểm tra đánh giá trong nhà trường, tác giả chọn đề tài sáng kiến kinh nghiệm: “Vận dụng lý thuyết khảo thí cổ điển nhằm nâng cao chất lượng đề trắc nghiệm khách quan”. Rất mong nhận được ý kiến nhận xét, góp ý của cô và các bạn đồng nghiệp.